Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

cutting time



CÁCH TIẾP CẬN CHIA CẮT THỜI GIAN TRONG TRỊ LIỆU KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ TỰ KỶ










Tiến sỹ Tâm lý: Ngô Xuân Điệp


Bộ môn Tâm lý, ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh


Tóm tắt


Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh với các biểu hiện lâm sàng khác nhau về mức độ rối loạn. Mặc dù có những biểu hiện khác nhau trong từng trường hợp lâm sàng nhất định, nhưng tất cả trẻ tự kỷ đều biểu lộ ở một mức độ nào đó sự suy giảm trong những lĩnh vực tương tác xã hội, truyền đạt và những mẫu hành vi, sở thích hay những hoạt động đơn điệu, cố định và lặp đi lặp lại.


Những biểu hiện này cho thấy trẻ tự kỷ chắc chắn có những khiếm khuyết liên quan đến kỹ năng sống. Để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng tốt hơn phương pháp chia cắt thời gian (cutting time) chủ yếu can thiệp nhằm nâng cao kỹ năng sống cho trẻ.


Thời gian sống hoặc tuổi đời của một con người khác nhau, sẽ kéo theo sự phát triển tâm lý-nhân cách khác nhau. Căn cứ vào thời gian sống của trẻ em, người ta có thể biết trẻ đó có khiếm khuyết tâm vận động hay không.


Do hoạt động sống của con người diễn ra trong khoảng thời gian, nên khi chia cắt thời gian sẽ chia cắt hoạt động. Hoạt động của con người gắn liền với thời gian là những hoạt động thiết yếu nhất, như vậy nếu chúng ta hướng vào việc dạy trẻ thông qua chia cắt thời gian, chúng ta sẽ trực tiếp hướng vào các hoạt động thiết yếu đó. Can thiệp dựa vào thời gian sống hàng ngày của trẻ, các hoạt động của chúng sẽ mang tính thực tế cao, vì nó là mốc đạt tới của con người trong việc hoàn thiện kỹ năng sống.


Chia cắt thời gian không quan tâm đến đánh giá hành động của trẻ tốt hay xấu, trẻ thông minh hay không thông minh, mà chỉ quan tâm đến tính hợp lý của hành động trên cơ sở các kỹ năng hiện tại của trẻ.


Abstract


Autism is a neurodevelopmental disorder in which the clinical presentation can vary with the severity of the impairment. Despite the variability in the clinical pattern, all chil­dren with autism manifest some degree of impairment in the areas of reciprocal social interaction, communication, and restrictive and repetitive stereotypical patterns of behavior, interests, or activities.


This expression shows that autistic children certainly have defects related to life skills. To help autistic children integrate better the community, mainly the method of cutting time intervention to improve life skills for children.


Differences of person's living time or age will lead to the development of personality – psychology. Based on the lifetimes of children, we can know children with or without psychomotor delay.


By the human activities take place during the period, so when we make cutting time which mean to split activities of person. The human activities associated with the operation time is most essential, so if we focus on teaching children through separation time, we will directly focus on those essential activities. Intervention based on daily living time of children, their activities will be highly realistic, because it's reached the milestone in the completion of human life skills.



Cutting time did not care to assess the child's behavior is good or bad, smart or not kids smart, but only interested in the rationality of behavior on the basis of the current skills of the child.


THỜI GIAN


Thời gian được phân chia thành các đơn vị: năm, tháng, tuần, ngày, giờ, phút, giây. Một tháng có 30 ngày, một ngày có 24 giờ, một giờ có 60 phút, một phút có 60 giây. Một năm là khoảng thời gian trung bình của một chu kỳ Trái Đất quay quanh Mặt Trời, gồm có 12 tháng, 52 tuần, 365 ngày và 6 giờ.


Thời gian là một đại lượng thuộc hệ thống đo lường dùng để xếp thứ tự các sự kiện cũng như so sánh diễn tiến và khoảng cách giữa chúng, hoặc để lượng hóa chuyển động của vật thể. Đây là một chủ đề thuộc loại cơ bản của khoa học và đời sống


Thời gian là nơi diễn ra các hoạt động cơ học, vật lý, hóa học, sinh học, xã hội, tâm lý.


TRỊ LIỆU TRẺ TỰ KỶ DỰA VÀO CHIA CẮT THỜI GIAN


Trong quá trình trị liệu, các hoạt động của trẻ nên được chia thành các hành động và các hành động nên được chia thành các thao tác. Dạy các thao tác để trẻ hoàn thiện hành động và hoạt động. Các thao tác này thường bám vào một khoảng thời gian nào đó trong ngày, nên khi cắt nhỏ hành động bằng các thao tác, cùng lúc đó chúng ta cắt nhỏ thời gian thực hiện. VD: Khi ta chọn thời gian can thiệp cho một trẻ tự kỷ vào khoảng thời gian từ 7 giờ đến 7 giờ 40 phút. Đây là khoảng thời gian trẻ mới ngủ dậy, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng và chuẩn bị đến trường. Công việc của nhóm trị liệu lúc này phải xác định xem trẻ phải hoàn thành những công việc gì trong khoảng thời gian này, sau đó thiết kế chương trình can thiệp. Có thể nội dung can thiệp tập trung dạy cho trẻ biết xếp gối, chăn màn, mở cửa nhà vệ sinh, gạt bồn cầu nước, mở nắp hộp kem đánh răng, trét kem lên bàn chải, đậy nắp hộp kem đánh răng, đánh răng, mặc quần áo, mang giày dép, phụ dọn dẹp nhà cửa,… mỗi một hành động đó đều hàm chứa các thao tác, như vậy, khi dạy trẻ các thao tác là từng bước hoàn thiện hành động.


Chia cắt thời gian đặc biệt quan tâm đến nội dung hoạt động cụ thể của trẻ diễn ra trong một khoảng thời gian cụ thể, đồng thời tập trung vào khoảng thời gian có các hành động dễ nhất, thuận lợi nhất, thiết yếu nhất, sau đó sẽ đến các hành động khó và ít thiết yếu hơn. Chương trình chỉ quan tâm đến các hành động hiện thời, tình trạng tâm lý hiện tại của trẻ, trên cơ sở đó xây dựng chương trình can thiệp phù hợp.


Trong chia cắt thời gian, thời gian có thể được chia nhỏ thành những đơn vị thời gian cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, tính khả thi và khả năng hiện tại của trẻ. Thời gian có thể được chia thành 10 phút, 30 phút, một giờ, hai giờ, …Thời điểm có thể được lựa chọn vào buổi sáng, trưa, chiều hay tối hoặc nhiều thời điểm khác nhau.


Trong trị liệu chia cắt thời gian, nội dung học được xây dựng trên cơ sở các hành động được quy định bởi truyền thống giáo dục gia đình, các nề nếp sinh hoạt hàng ngày, thói quen sinh hoạt xã hội trong môi trường văn hóa trẻ đang sống. Như vậy mỗi gia đình khác nhau, nền văn hóa khác nhau, chương trình can thiệp cho trẻ sẽ khác nhau. Các hoạt động được nhà trị liệu và thành viên trong gia đình xác định lại và xây dựng lại theo mục đích của phương pháp can thiệp.


Trong chương trình can thiệp cần xây dựng nhóm trị liệu, nhóm bao gồm toàn bộ các thành viên tham gia trực tiếp can thiệp cho trẻ: các thành viên trong gia đình, giáo viên (bảo mẫu) và chuyên gia tâm lý về phương pháp chia cắt thời gian.


XÁC ĐỊNH THỜI GIAN VÀ HOẠT ĐỘNG


Bất cứ dạng hoạt động nào cũng diễn ra trong thời gian, ở những khoảng thời gian khác nhau sẽ diễn ra các hoạt động khác nhau. Có thể nói nội dung của thời gian là hoạt động.


Thời gian không có hoạt động là khoảng thời gian trong đó không có một hành động cụ thể nào diễn ra hay trong khoảng thời gian đó diễn ra các hành động bất thường, bệnh lý, tiêu cực mà những hành động này cần được thay thế bằng các hành động khác tích cực. VD: trẻ tự kỷ tự chơi một mình với những hành vi định hình, đơn điệu lặp đi lặp lại, không có ý nghĩa.


Thời gian có hoạt động là khoảng thời gian diễn ra các hành động tích cực, có ý nghĩa tạo điều kiện cho chủ thể phát triển theo chiều hướng tích cực.


Thời gian có hoạt động thưa thớt là khoảng thời gian trong đó có một số hành động đơn lẻ có ý nghĩa trải dài trong một đơn vị thời gian xác định. Trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ tự kỷ đồng thời xuất hiện cả hai loại hành động mong muốn và không mong muốn, trong đó hành động không mong muốn chiếm phần nhiều hơn hành động mong muốn.


Thời gian có hoạt động cục bộ là khoảng thời gian trong đó thỉnh thoảng xuất hiện nhóm các hành động có ý nghĩa ở những thời điểm xác định.


Thời gian có hoạt động dàn trải đảm bảo rằng trong bất cứ thời điểm xác định nào cũng đều xuất hiện đều đặn các hành động có ý nghĩa. Thông thường đây là khoảng thời gian được lựa chọn để can thiệp với cường độ vừa phải.


Thời gian có hoạt động dày đặc nghĩa là ở một khoảng thời gian xác định thì mật độ hành động của trẻ nhiều hơn những khoảng thời gian khác. Thông thường đây là khoảng thời gian được lựa chọn để can thiệp với cường độ cao, trong đó hành động không mong muốn hầu như không xuất hiện trong khoảng thời gian này.


Thời gian chuyển tiếp các hoạt động là khoảng thời gian ngắn được sử dụng để chuyển tiếp từ hành động này sang hành động khác.


Khoảng thời gian có hoạt động được hướng dẫn là khoảng thời gian được nhóm trị liệu lập kế hoạch can thiệp.


Khoảng thời gian có hoạt động không được hướng dẫn là khoảng thời gian chưa được nhóm trị liệu lập kế hoạch can thiệp.


Khoảng thời gian có hoạt động tự do đó là khoảng thời gian cho trẻ chơi thư giãn, thoải mái theo sở thích của trẻ.


Khoảng thời gian có hoạt động được lập kế hoạch là khoảng thời gian được lên kế hoạch, chuẩn bị cho chương trình can thiệp.


SỬ DỤNG THỜI GIAN CHO TRỊ LIỆU


Mở rộng thời gian hoạt động: Trong quá trình can thiệp, khi can thiệp thành công trong một khoảng thời gian xác định, nhóm trị liệu thấy cần thiết phải có thêm khoảng thời gian khác để tác động đến trẻ, do đó nhóm quyết định mở rộng thêm thời gian can thiệp. VD: trước đây can thiệp cho trẻ từ 7 giờ đến 7 giờ 30 phút, thì bây giờ tăng lên thời gian can thiệp từ 7 giờ đến 8 giờ.


Thu hẹp thời gian hoạt động là cách thức giảm bớt thời gian can thiệp khi trẻ đang ở dạng quá tải, tình trạng sức khỏe không tốt, điều kiện làm việc không thuận lợi so với thời điểm trước đó… Thu hẹp thời gian với mục đích giúp chương trình hoạt động bền vững.


Kết nối thời gian hoạt động là kết nối 2 thời điểm trị liệu khác nhau thành một thời điểm thống nhất có mối quan hệ với nhau. VD: Sau khi trẻ đã thực hiện tốt chương trình trị liệu từ 7 đến 7 giờ 30 phút và từ 8 đến 8 giờ 30 phút, sau đó chúng ta phải kết nối thời gian bằng cách xây dựng chương trình can thiệp từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ.


Hoàn thiện thời gian hoạt động là giữ cho mạch thời gian trị liệu ổn định sau khi có sự kết nối thời gian hoạt động.


Dịch chuyển hoạt động và thời gian là dịch chuyển thời gian theo chiều hướng sớm hơn hay muộn hơn nhưng vẫn giữ nguyên chuỗi hoạt động. Thông thường trong trị liệu trẻ tự kỷ, nếu chúng ta thực hiện một nội dung can thiệp lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian cố định sẽ vô tình củng cố thêm tính định hình cho trẻ tự kỷ, điều này thấy rõ ở trẻ tự kỷ hay chống lại thay đổi khi thực hiện nội dung không đúng thời điểm quen thuộc của trẻ. Vì lý do này chương trình trị liệu cần thay đổi hoạt động và thời gian nhằm giảm bớt tính định hình cho trẻ tự kỷ.


Tăng hoạt động cho thời gian là tăng thêm cường độ hoạt động trị liệu cho trẻ tự kỷ so với thời điểm trước, chuyển từ hoạt động thưa thớt sang hoạt động dày đặc. Nguyên tắc này ngoài việc tăng cường kỹ năng cho trẻ còn góp phần làm giảm tính định hình cho trẻ tự kỷ.


Giảm hoạt động cho thời gian để đảm bảo cho quá trình trị liệu uyển chuyển, thích nghi từng thời điểm cụ thể của trẻ, người trị liệu cần nhậy cảm giảm bớt hoạt động cho thời gian. Có thể chuyển từ giai đoạn hoạt động dày đặc sang giai đoạn hoạt động thưa thớt.


Thay đổi hoạt động và thời gian là thay đổi toàn bộ hoạt động cho thời gian xác định.


XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH CAN THIỆP


Chọn khoảng thời gian can thiệp: tùy từng điều kiện hoàn cảnh, khả năng của trẻ, nhóm trị liệu nên chọn khoảng thời gian can thiệp phù hợp


Nhớ lại nội dung sinh hoạt hàng ngày của trẻ: để xây dựng chương trình can thiệp sát với thực tế cuộc sống của trẻ, nhóm trị liệu cần nhớ lại các hoạt động hành ngày của trẻ trước đây khi đã xác định xong thời điểm can thiệp


Xây dựng lại nội dung sinh hoạt của trẻ: sau khi nhớ lại nội dung sinh hoạt hàng ngày của trẻ, nhóm trị liệu cần phải xây dựng lại nội dung cho phù hợp với mục tiêu của chương trình can thiệp.


Xác định hoạt động cho thời gian can thiệp: sau khi xây dựng lại nội dung sinh hoạt của trẻ, nhóm trị liệu xác định một cách cụ thể các hành động cần tập trung can thiệp.


Chi tiết hóa nội dung sinh hoạt cần dạy: sau khi xác định rõ ràng các hành động cần can thiệp, nhóm trị liệu cần phải chi tiết hóa các hành động đó. Chia nhỏ các hành động thành các thao tác để can thiệp được thuận lợi.


Sử dụng phương pháp dạy cho từng nội dung cụ thể: sau khi chi tiết hóa nội dung cần dạy, nhóm trị liệu xác định xem nên áp dụng cách thức dạy nào cho phù hợp với từng thao tác, từng hành động trên cơ sở hoàn cảnh, điều kiện, sở thích và khả năng của trẻ.


Tìm các sở thích của trẻ liên quan đến nội dung hoạt động của trẻ: sử dụng chính các hoạt động trẻ thích làm cơ sở đầu tiên cho việc can thiệp.


XÁC ĐỊNH TẦM QUAN TRỌNG CỦA NỘI DUNG CAN THIỆP


Các hoạt động buộc phải làm: các hoạt động đã được xây dựng, lên kế hạch thông qua nhóm trị liệu.


Các hoạt động nên làm: các hoạt động bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ chưa nằm trong chương trình trị liệu.


Các hoạt động làm cũng được không làm cũng được: các hoạt động này tùy sở thích của trẻ.


Các hoạt động thuộc sở thích của trẻ: các hoạt động này sẽ được sử dụng làm tiền đề cho quá trình trị liệu.


Các hoạt động không phải làm: không khuyến khích trẻ thực hiện loại hoạt động này.


Các hoạt động cấm thực hiện: các hành động gây nguy hiểm đến chính bản thân trẻ và người khác.


AI CÓ THỂ CAN THIỆP?


Cha, mẹ


Những người trong gia đình


Người chăm sóc


Giáo viên


Bảo mẫu


Do chương trình can thiệp tập trung chủ yếu vào nội dung sinh hoạt hàng ngày của trẻ và đặc biệt quan tâm đến các kỹ năng sống như: vệ sinh cá nhân, giao tiếp, ăn uống, vui chơi, phụ giúp trong sinh hoạt gia đình, …nên cha mẹ, người chăm sóc, hay các thành viên khác trong gia đình có vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên, chương trình này cũng có thể áp dụng tại trường học nên cần các giáo viên và bảo mẫu thực hiện.


Đây là cách tiếp cận mới trong can thiệp (dạy kỹ năng) cho trẻ tự kỷ. Tác giả bài báo cáo này đã phát hiện ra cách tiếp cận này và nghiên cứu trong nhiều năm nay. Rất mong sự đóng góp ý kiến của những nhà chuyên môn và những người quan tâm đến lĩnh vực can thiệp cho trẻ tự kỷ.