Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011








CÁC LÝ THUYẾT LIÊN QUAN ĐẾN CAN THIỆP CHO TRẺ TỰ KỶ







Theo các quan sát nghiên cứu ghi nhận, sự phát triển nhận thức của trẻ liên quan đến chức năng cảm giác vận động, nếu khả năng vận động của trẻ gặp vấn đề khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển nhận thức. Hầu hết sự vận động của trẻ em hướng theo một quy luật nhất định. Quy luật “từ đầu đến chân” và “từ trong ra ngoài”, ví dụ: trẻ có thể biết bú trước khi trẻ có thể cầm, nắm. Biết nâng đầu trước khi biết ngồi, biết ngồi trước khi biết đứng, trẻ có thể biết sử dụng bàn tay trước khi biết điều khiển chân. Trên đây là nền tảng sinh học trong phát triển thể chất và sự thành thục chức năng vận động của trẻ em nói chung. Nếu chức năng sinh học phát triển không bình thường hoặc chậm phát triển sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ. Sau đây là một số lý thuyết về phát triển nhận thức.



Lý thuyết “Điều kiện hóa cổ điển”



Khoảng cuối thế kỷ 19, tâm lý học ra khỏi viễn cảnh chủ quan của thuyết nội quan, hướng về một phương pháp khách quan hơn. Cách tiếp cận khoa học này đối với tâm lý học có nguồn gốc liên quan đến công việc của Ivan Petrovich Pavlov (1849-1936). Pavlov phát triển một lý thuyết lớn liên quan đến học tập được gọi là “Điều kiện hóa cổ điển”. Theo lý thuyết này, “những hành vi nhất định có thể được tạo ra bởi kích thích trung tính đơn giản bởi sự liên kết học tập của nó với một kích thích mạnh hơn”. Nguyên lý điều kiện hóa này có thể ứng dụng được với nhiều loại hành vi nhận thức của con người. Quan điểm của Pavlop cho thấy nhận thức là một sự liên kết giữa hai kích thích theo cơ chế “phản xạ có điều kiện”, đây là loại phản xạ con người học được trong cuộc sống.



Lý thuyết về luật luyện tập và luật hiệu quả



Nghiên cứu về tính bền vững của quá trình nhận thức, Edward Lee Thorndike (1874- 1949), nhà tâm lý học Mỹ đã phát minh hai lý thuyết là “Luật luyện tập” và “Luật hiệu quả” áp dụng trong học tập và phát triển nhận thức của con người. Luật luyện tập gồm hai phần: luật sử dụng và luật không sử dụng. Luật sử dụng nói lên sự liên tưởng càng được thực hành, nó càng trở nên mạnh hơn. Luật không sử dụng cho rằng liên tưởng càng không được sử dụng lâu bao nhiêu, nó càng trở nên yếu đi bấy nhiêu. Luật hiệu quả nói rằng nếu một liên tưởng kéo theo sau một “tình trạng thỏa mãn” nó sẽ trở nên mạnh hơn và nếu theo sau “tình trạng khó chịu” sẽ trở nên yếu đi.



Khoa học ngày nay đều thừa nhận giá trị của “Luật luyện tập” và “Luật hiệu quả”. Nghĩa là nhận thức của con người càng sâu sắc khi thường xuyên được tái hiện và luyện tập. Ngược lại, con người có thể sẽ quên đi những tri thức mà con người đã nhận thức được trước đây nếu tri thức đó không được luyện tập hay tái hiện thường xuyên. Nhận thức đi kèm với cảm giác thoải mái dễ chịu, thì sự ghi nhớ sẽ được lưu giữ lâu hơn cảm giác khó chịu. Trong phần nghiên cứu tác động, chúng tôi sử dụng hai quy luật này vào củng cố hành vi mong muốn và xóa bỏ hành vi không mong muốn khi trị liệu cho nâng cao nhận thức TTK.



Quan điểm điều kiện hóa của Skinner



Cũng liên quan đến phát triển nhận thức, khác với “điều kiện hóa cổ điển”, Burrhus Frederic Skinner (1904-1990) cho thấy một vai trò tích cực hơn, với “Điều kiện hóa tạo tác” khi trẻ được hoạt động (thể hiện hành vi) trong môi trường của chúng, đồng thời quan điểm của Skinner cho phép tính linh hoạt hơn và khả năng tự tạo ra mô hình hành vi khi đã trải qua nhiều quá trình lựa chọn.



Đây là những quan điểm khá tiến bộ khi bắt đầu đề cập đến những yếu tố chủ động trong tâm lý con người. Đề tài nghiên cứu này chủ trương áp dụng lý thuyết của Skinner vào can thiệp trị liệu nhằm nâng cao khả năng nhận thức cho TTK. Lý thuyết này là nền tảng cơ bản cho phương pháp ABA trong trị liệu TTK.






Lý thuyết học tập xã hội



Cũng bàn về phát triển nhận thức thông qua học tập, Albert Bandura (1925), đã đề xuất “Lý thuyết học tập xã hội”. Cách tiếp cận của Bandura đầu tiên có tên hành vi xã hội, rồi đến lý thuyết nhận thức xã hội, và cuối cùng là lý thuyết học tập xã hội. Bandura cho rằng, trẻ bắt chước hành động của người khác dựa trên lĩnh hội sự quan sát. Trong cuộc sống người lớn cung cấp cho trẻ em những mô hình hoạt động và sự học tập thông qua bắt chước là điều vô cùng bình thường trong tất cả các lĩnh vực xã hội và phát triển nhận thức.



Khác với các nhà hành vi trước đó, Bandura đã cho thấy sự hiện diện thô sơ của môi trường xã hội trong lý thuyết học tập xã hội của ông. Lý thuyết học tập xã hội sẽ là nền tảng cơ bản cho hình thức trị liệu gia đình.



Chủ nghĩa hành vi từ khi xuất hiện đến nay đã có rất nhiều sự thay đổi theo chiều hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Chủ nghĩa hành vi ngày nay không chỉ bàn đến hành vi đơn thuần, mà các nhà hành vi đã nghiên cứu sâu về hành vi nhận thức. Vì vậy, với mục đích nâng cao khả năng nhận thức cho TTK, chúng tôi sử dụng lý thuyết hành vi vào can thiệp trị liệu cho trẻ.



Quan điểm hình thành hành động trí tuệ của Galpêrin



Trên cơ sở lý luận và thực tiễn tâm lý học Mác xit, P.Ia Galpêrin đã đưa ra lý thuyết hình thành hành động trí tuệ. Quan điểm lý thuyết của Galpêrin là: “Luận điểm chủ yếu của giả thuyết này là coi hoạt động tâm lý là kết quả của việc chuyển các hành động vật chất bên ngoài vào lĩnh vực phản ánh- vào lĩnh vực tri giác, biểu tượng và khái niệm. Quá trình di chuyển ấy tiến hành theo một số bước; ở mỗi bước có sự phản ánh mới, một lần tái hiện hành động và sự cải tổ một cách có hệ thống hành động đó” [35, tr.618]. Ông đã tiến hành phân tích các cấu trúc của hành động, xác lập và mô tả các bước hình thành hành động trí tuệ, nghiên cứu các phương pháp định hướng việc hình thành hành động trí tuệ cho trẻ em trong học tập.





Các bước hình thành hành động trí tuệ



Bước 1: Lập cơ sở định hướng của hành động. Lập cơ sở định hướng là nhiệm vụ chủ yếu trong quá trình hình thành hành động (“gây một biểu tượng sơ bộ về việc làm”). Khi thực hiện hành động, cơ sở định hướng này quy định quá trình định hướng vào việc làm và như vậy nó là phần quan trọng nhất trong cơ chế tâm lý học của hành động. Có ba loại định hướng chủ yếu cho việc làm. Cơ sở định hướng thứ nhất: chỉ có mẫu vật, hành động và sản phẩm của nó. Cách này, không hề cho một lời chỉ dẫn, để thực hiện đúng đắn hành động đó như thế nào, học sinh tự “mày mò” tìm lấy, xác lập lấy. Cơ sở định hướng này là quá trình hình thành hành động diễn ra theo cách “thử và sai”. Cơ sở định hướng thứ hai: có mẫu vật, hành động, sản phẩm và sự chỉ dẫn để làm đúng hành động đó với vật liệu mới. Mỗi lần lặp lại cùng một hành động, giáo viên chỉ ra các điểm tựa, các điều kiện để làm đúng, sau đó học sinh tự mình tái hiện lại chúng. Cách này học sinh có thể biết cách phân tích công việc theo góc độ hành động sắp làm, và điều đó làm cho hành động được bền vững hơn, khi các điều kiện thay đổi học sinh chuyển được sang việc làm mới. Cơ sở định hướng thứ ba: có các đặc điểm là phân tích việc làm mới được xếp lên hàng đầu. Sự phân tích cho phép lấy ra các điểm tựa, các điều kiện để thực hiện đúng việc làm, sau đó, theo những chỉ dẫn ấy mà tiến hành hành động phù hợp với việc làm được giao. Có thể nói, cách thứ ba là cách dạy trẻ phân tích để tự tìm ra các điểm tựa, các điều kiện để thực hiện.



Bước 2: Hành động với đồ vật hay vật chất hóa. Cơ sở định hướng của hành động vẫn chỉ là một hệ thống các chỉ dẫn cách thực hiện hành động, chứ không phải chính hành động. Do đó, đây là bước hành động với vật thật hay các biến thể của nó như hình vẽ, ký hiệu, sơ đồ, mô hình, vật mẫu, chữ viết,… của vật chất đó. Galperin cho rằng, bước này là nguồn gốc của mọi hành động trí tuệ trọn vẹn. Nội dung của nó là chủ thể dùng tay để triển khai hành động, khái quát và rút gọn. Khai triển một hành động có nghĩa là chỉ ra tất cả các thao tác của nó trong mối quan hệ qua lại của chúng. Như vậy cần phải phân chia hành động thành các thao tác đến mức hết cỡ. Khái quát một hành động từ trong các thuộc tính đa dạng của đối tượng của nó lấy ra đúng chính những thuộc tính cần cho việc thực hiện hành động đó. Rút gọn là thao tác hóa những điều khái quát được. Bước này làm cho hành động nhanh lên.



Bước 3: Hành động nói to không dùng đồ vật. ngôn ngữ trở thành đối tượng của hành động. Ở đây ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là hệ thống ký hiệu chứa nghĩa theo các qui tắc thống nhất, mà còn là thực tại chứa đựng toàn bộ hành động, thao tác và vật liệu.



Bước 4: Hành động với lời nói thầm. Bước này có thể xác định từ lúc hành động nói to chuyển vào bên trong, cho đến khi nói thầm thành thạo. Bản chất của bước này chính là cấu tạo lại ngôn ngữ. Biến các hình ảnh, âm thanh của từ thành biểu tượng.
Bước 5: Hành động rút gọn với lời nói bên trong. Ngôn ngữ không còn hướng ra bên ngoài, do đó ngôn ngữ không còn giữ nguyên quy tắc âm ngữ và ngữ pháp.Trong hình thái này, nội dung vật chất của hành động được biểu thị trong nghĩa của từ, còn âm thanh của từ được rút gọn tới mức tối đa. Ngôn ngữ hoàn toàn là ngôn ngữ bên trong.



Qua lý thuyết của Galperin, chúng ta thấy con đường hình thành hoạt động trí tuệ của con người vô cùng phức tạp. Mô hình 5 bước này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nghiên cứu tâm lý con người, đồng thời đây cũng là con đường phát triển nhận thức của mỗi cá nhân. Chúng tôi vận dụng lý thuyết của của Galperin vào phần tác động can thiệp và lý giải quá trình phát triển nhận thức của TTK.



Thuyết văn hóa của Vưgotxky



Nhà tâm lý học Nga Lev Semenovich Vưgotxky (1896-1934), là người đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của người lớn trong môi trường nhận thức trẻ em. Đối với ông, phát triển trí tuệ chịu ảnh hưởng bởi mối quan hệ mô phạm (dựa trên giao tiếp dạy học) sẽ làm cho cá nhân tiến bộ hơn. Một khía cạnh đáng chú ý trong quan điểm của ông khi khẳng định khả năng phát triển cao của trí tuệ trước hết được thấy và ứng dụng thành thạo trong tương tác xã hội, sau đó được tiếp thu và sở hữu như quá trình suy nghĩ của cá nhân. Ví dụ, ngôn ngữ được sử dụng trong xã hội tới mức độ khá về khả năng trước khi nó được tiếp nhận, tổ chức lại quá trình suy nghĩ. Như vậy, điểm chính trong lý thuyết của Vưgotxky là tương tác xã hội là vai trò chủ yếu trong phát triển nhận thức. Ông chỉ rõ “có một khoảng cách lớn giữa những gì trẻ em biết và những gì trẻ em được dạy. Tại một giai đoạn phát triển của trẻ có một mức độ nhất định của sự hiểu biết, một cực điểm nhất thời, ở cao hơn điểm này là vùng phát triển gần (the zone of proximal development). Vùng này có thể được xem như những vấn đề và kiến thức mà nó là một trở ngại nhỏ cho trẻ tự hiểu. Tuy nhiên, nó có thể được khám phá và được hiểu với sự giúp đỡ của người lớn. Như vậy người lớn có thể hướng dẫn trẻ hiểu vững vàng hơn những kiến thức phức tạp có liên quan”.



Quan điểm của Vưgotxky thừa nhận văn hóa, xã hội hay sự tương tác của người lớn với trẻ là môi trường lý tưởng cho các hoạt động nhận thức. Trong quá trình nhận thức, trẻ cần sự hướng dẫn của người khác để tiến lên một mức độ nhận thức cao hơn. Hầu hết TTK gặp khó khăn về giao tiếp, cũng như khó khăn trong khả năng tự học tập.





Phát triển nhận thức theo quan điểm của Piaget



Quan điểm của J Piaget chia sự phát triển nhận thức của trẻ thành bốn giai đoạn chính: Giai đoạn 1, cảm giác - vận động (0 đến 2 tuổi), trẻ sơ sinh sử dụng khả năng cảm giác và vận động để thăm dò và đạt được một số hiểu biết cơ bản về môi trường. Khi mới được sinh ra, trẻ chỉ có những phản xạ bẩm sinh để gắn kết với thế giới. Cuối thời kỳ cảm giác vận động, trẻ có được khả năng phối hợp những cảm giác vận động phức tạp. Giai đoạn 2: Tiền thao tác ( từ 2 đến 7 tuổi): Trẻ sử dụng biểu trưng (các hình ảnh và ngôn ngữ) để diễn tả khía cạnh khác nhau của môi trường. Trẻ phản ứng lại các đối tượng và sự kiện theo cách nghĩ của mình. Suy nghĩ của trẻ lúc này mang tính chất “mình là trung tâm”, nghĩa là trẻ nghĩ rằng, mọi người đều nhìn nhận thế giới giống như cách nhìn của chúng. Giai đoạn 3: Thao tác cụ thể (từ 7 đến 11 tuổi): là giai đoạn trẻ sử dụng các thao tác nhận thức (những hành động tinh thần, hay những thành phần của suy nghĩ logic) trên các vật thật. Giai đoạn 4: thao tác hình thức (từ 11 tuổi đến lớn): Đây là hình thức thao tác cho phép trẻ tổ chức ý nghĩ theo một cách thức nhất định, trẻ có thể kiểm tra những hành động suy nghĩ của mình và người khác. Lúc này suy nghĩ của trẻ đã mang tính trừu tượng và hệ thống.



Quan điểm nhận thức của Piaget cho ta một hướng nhìn toàn diện về quá trình phát triển nhận thức của trẻ em từ giai đoạn sơ sinh đến tuổi trưởng thành thông qua các hoạt động nhận thức như cảm giác - vận động, nhận thức các hình ảnh biểu trưng, thực hiện thao tác trí tuệ cụ thể và các thao tác trí tuệ mang tính hình thức. Lý thuyết này chủ yếu sử dụng cho lý giải sự phát triển nhận thức của TTK.







Ts. Ngô Xuân Điệp












Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011




TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT BIM BIM CAN THIỆP CHO TRẺ TỰ KỶ/ASPERGER




TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT BIM BIM ra đời với mong muốn chung tay góp sức một phần vào xã hội trong việc giúp đỡ các em có những khó khăn trong phát triển tâm vận động như: trẻ chậm nói, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, Asperger,…), trẻ có vấn đề về hành vi, nhận thức, giao tiếp, cảm xúc,…

Khi đến với
TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT BIM BIM
, trẻ sẽ được quan sát, theo dõi, xác định tình trạng phát triển tâm vận động dựa trên các test tâm lý như Test Denver II (thang đánh giá sự phát triển tâm vận động), thang đo CARS (thang đánh giá mức độ tự kỷ), ABLLS (thang đánh giá khả năng học tập), thang đo nhận thức,… để tìm ra cách thức tác động hiệu quả. Đồng thời, tại đây, chúng tôi sẽ tiến hành chương trình can thiệp sớm, chương trình giáo dục đặc biệt, cũng như hướng dẫn cho các phụ huynh trong việc giúp trẻ học tập tại nhà.

Một số phương pháp trị liệu tâm lý cho trẻ:

Tùy từng trẻ khác nhau sẽ có phương pháp tác động khác nhau:
- Trị liệu tâm lý
- Trò chơi trị liệu
- Hoạt động trị liệu
- Thủy trị liệu
- Tâm vận động
- Chỉnh âm và trị liệu ngôn ngữ
- Học trên máy vi tính
- Điều hòa cảm giác
- Phương pháp phát triển nhận thức
- Phương pháp ABA
- Phương pháp TEACCH
- Phương pháp PECS
- Floor Time
- Cutting Time
- ….


Phát hiện sớm các rối loạn tâm lý để đưa trẻ đi chẩn đoán và can thiệp kịp thời là một vấn đề cực kỳ quan trọng và có tính quyết định đối với tương lai của trẻ. Vì đối với những trẻ này, chúng ta phải chạy đua với khoảng thời gian đầu đời của trẻ càng sớm càng tốt hay như các bậc phụ huynh thường nói: “Đây là thời gian vàng” nhằm can thiệp giáo dục đặc biệt cho trẻ. Một khi tình trạng nhận thức của trẻ được cải thiện, thì chất lượng cuộc sống của trẻ được nâng lên, khả năng hòa nhập vào cộng đồng được cải thiện. Vì lý do đó,
TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT BIM BIM
sử dụng hành vi trị liệu làm nền tảng cho can thiệp với mục đích nâng cao khả năng nhận thức cho trẻ. Ngược lại, nếu trẻ có các rối loạn tâm lý không được phát hiện và can thiệp sớm cũng như áp dụng các phương pháp khoa học hay chương trình học không phù hợp với trẻ, trẻ sẽ mất đi cơ hội can thiệp sớm cũng như về lâu dài trẻ không thể hòa nhập vào xã hội.

Tiến hành trị liệu
Sau khi trẻ được chẩn đoán bởi các bác sỹ hay nhà tâm lý trị liệu là có những khó khăn về phát triển, đồng thời được sự yêu cầu trị liệu của quý phụ huynh,
TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT BIM BIM
sẽ tiến hành xây dựng mô hình can thiệp. Bắt đầu chương trình, chúng tôi tiến hành lượng giá mức độ rối loạn, mức độ nhận thức và sự phát triển tâm vận động cho trẻ. Trong quá trình tác động, chúng tôi kết hợp nhiều phương pháp trị liệu, trong đó đặc biệt có sự kết hợp giữa hành vi trị liệu và hoạt động trị liệu. Nội dung trị liệu cụ thể sẽ được thay đổi từng giờ, từng ngày bởi các giáo viên và các chuyên viên. Chương trình học sẽ được thay đổi sau mỗi tuần, mỗi tháng trị liệu bởi những nhà chuyên môn. Chương trình trị liệu được xây dựng bởi Tiến sĩ Tâm lý (chuyên nghiên cứu và thực hành trị liệu cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ) và thực hiện bởi các giáo dục viên đặc biệt. Từng trẻ khác nhau, chúng tôi tiến hành xây dựng chương trình can thiệp khác nhau.
Ngoài ra công ty chúng tôi còn tiến hành tập huấn, cũng như hướng dẫn trị liệu cho các trẻ ở xa TP. Hồ Chí Minh.




Trường chúng tôi nhận can thiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
KHÁM TÂM LÝ

- Trẻ chậm nói
- Trẻ chậm phát triển tâm vận động
- Trẻ tự kỷ
- Trẻ có khó khăn trong học tập
- Trẻ có khó khăn về giao tiếp
- Trẻ có ý nghĩ và hành vi khác thường
- Tham vấn tâm lý
- Trị liệu tâm lý cho người lớn và trẻ em
- Giải đáp các thắc mắc về tâm lý



- Tập huấn chuyên môn cho giáo viên và phụ huynh.




Khám tâm lý theo lịch hẹn


“Chúng tôi luôn lắng nghe và chia sẻ cùng bạn”

Địa chỉ liên hệ:




Cơ sở 1: 381/4/10, Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM.
Điện thoại: (08) 222 973 93 hoặc 0919795574.




Cơ sở 2: số 19, đường 12, Khu DC Khang Điền, Dương Đình Hội, Phước Long B, Q9, Tp. Hồ Chí Minh.



Điện thoại: (08) 221 018 78 hoặc 0919795574.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Trường chuyên biệt Bim Bim

TRƯỜNG CHUYÊN BIÊT BIM BIM


Trường chuyên biệt Bim Bim: Giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng

“Khi trẻ có một số biểu hiện như: chậm nói, hay không nói; không nhìn mắt người đối diện, không biểu lộ tình cảm… là có thể trẻ đang mắc bệnh tự kỷ, chậm phát triển”, TS tâm lý Ngô Xuân Điệp - Cố vấn chuyên môn Trường Chuyên biệt Bim Bim, cho biết.

Cũng theo chia sẻ của TS. Điệp, hướng điều trị mới cho các trẻ mắc bệnh này là liệu pháp tâm lý. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, chuyên gia điều trị sẽ xây dựng lại khung tâm lý cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập, sinh hoạt, phát triển bình thường. Đặc biệt, để chữa bệnh tự kỷ, chậm phát triển hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều yếu tố; trong đó, nhà trường (nơi trực tiếp chữa trị) và gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng.

Hòa chung vào công tác chăm sóc, chữa trị trẻ bị tự kỷ, chậm nói, chậm phát triển của xã hội, Trường Chuyên biệt Bim Bim ra đời với mục đích trở thành nơi chữa trị, chia sẻ những khó khăn trong việc tìm ra phương pháp nuôi dạy trẻ phù hợp, khoa học của nhiều gia đình có con em mắc phải bệnh. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, ngay từ buổi đầu thành lập, Bim Bim đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại gồm 11 phòng học, phòng chức năng, sân chơi, hồ bơi…, cùng đội ngũ giáo viên, quản lý là những chuyên gia đầu ngành, tâm huyết, yêu trẻ.

Hiện tại, Bim Bim đang chăm sóc các bé dưới 10 tuổi bị tự kỷ, chậm nói, chậm phát triển. Song song với liệu pháp điều trị tâm lý (tập cho trẻ có ý thức về bản thân và tự khẳng định bản thân, phát triển ngôn ngữ phù hợp với khả năng của trẻ; thiết lập mối quan hệ giữa trẻ với gia đình, giáo viên, bạn bè, môi trường xung quanh…), Trường Chuyên biệt Bim Bim còn lập biểu đồ theo dõi chi tiết sự hồi phục, phát triển của từng trẻ trong quá trình theo học tại trường, tư vấn - trị liệu trẻ tự kỷ, hướng dẫn xây dựng chương trình giáo dục đặc biệt tại gia đình của các trẻ… “Bim Bim thấu hiểu những khó khăn, vất vả của gia đình có trẻ mắc phải bệnh tự kỷ, chậm phát triển. Vì vậy, chúng tôi đang tiến tới xây dựng chương trình giáo dục, chăm sóc trẻ bị tự kỷ - chậm phát triển tại gia đình có trẻ mắc phải bệnh, nhằm giúp phụ huynh có cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ phù hợp - khoa học, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng”.

TS. Điệp, bộc bạch: Tự kỷ là khuyết tật phức tạp về phát triển, ảnh hưởng đến nhiều khả năng như trí hiểu, sử dụng ngôn ngữ, biểu lộ tình cảm… Những biểu hiện này thường thấy trong ba năm đầu đời của trẻ với những biểu hiện và mức độ bệnh khác nhau.

Báo giáo dục Tp. HCM

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011


RỐI LOẠN TÂM LÝ CỦA TRẺ TỰ KỶ

TTK có bề ngoài như trẻ bình thường, các công bố từ trước tới nay chưa có nghiên cứu nào nói đến sự khác thường về thể trạng bề ngoài của TTK, trái lại theo mô tả của Kanner, dường như TTK nói chung lại có bề ngoài khôi ngô hơn trẻ bình thường, đồng thời TTK về cơ bản cũng không có sự bất thường về giải phẫu trong các bộ phận bên trong cơ thể. Các giác quan cảm nhận bên ngoài và bên trong cơ thể trẻ xét trên phương diện vật lý và sinh học giống như trẻ bình thường. Những chỉ số sinh học cơ bản như cân nặng, chiều cao, chỉ số phát triển sinh học giống như trẻ bình thường cùng tuổi. Các mốc phát triển vận động như lẫy, ngồi, bò, trườn, đứng, đi, chạy,… không có ghi nhận khác thường. Trẻ bị rối loạn tự kỷ có tuổi thọ trung bình như người bình thường. Nhưng hầu hết các mô tả về mặt chức năng tâm lý thì cho thấy sự bất thường rõ rệt.
- Những rối loạn sớm của trẻ tự kỷ
Kanner nhấn mạnh triệu chứng tự kỷ có thể phát hiện được ngay khi trẻ ra đời hoặc trong khoảng 30 tháng đầu (Wing, 1989). Cũng liên quan đến phát hiện sớm, theo Nguyễn Văn Thành (2006), HCTK có thể xuất hiện ngay từ khi sinh ra, những bất thường ở trẻ em trong giai đoạn đầu đời từ 0 đến 6 tháng tuổi cho phép phát hiện sớm: Như thiếu những cử chỉ trao đổi vui mừng với mẹ; Không tỏ thái độ thích thú, quan tâm khi có người chăm sóc; Thái độ lạnh lùng, lãnh đạm, bình lặng đối với lời nói và khuôn mặt của người mẹ và người thân; Thiếu nụ cười giao tiếp; Thiếu giao tiếp bằng mắt; Có dấu hiệu né tránh, ngoảnh mặt đi nơi khác khi mẹ ở tư thế đối diện với bé; Lặng im cả ngày, ít cử động; Khi thì quá ngoan, khi thì quá phá phách; Trương lực cơ quá cứng hoặc quá mềm; rối loạn giấc ngủ; Thiếu phản xạ bú, mút; Không phát âm bi bô; Không với lấy đồ vật trong tầm tay; Không bập bẹ; Không có nụ cười xã hội ở khoảng 4 đến 6 tháng tuổi,… Ở vào khoảng 6 tháng tuổi đến một năm, trẻ không có những cử chỉ vui mừng và thích thú khi có mẹ hay người thân ở gần; Không thích âu yếm, cơ thể có thể mềm yếu hay cứng nhắc khi được ôm ấp; Không chơi các trò chơi xã hội đơn giản (“Ú à”, "Bye-bye"); Chưa có dấu hiệu ngôn ngữ; Các cử chỉ, điệu bộ không phù hợp với tình huống giao tiếp; Thái độ lãnh đạm với âm thanh và hình ảnh hoặc những kích thích từ môi trường; Nhìn chằm chằm như bị hút vào những vật thể quay tròn, nhìn các ngón tay ve vẩy,…; không quan tâm đến đồ chơi nhưng lại chú tâm đặc biệt vào những vật thể lạ như khe hở, hạt bụi, lỗ rách,…; Không có biểu hiện lo sợ, khóc khi đối diện với người lạ; Không phản ứng khi nghe gọi tên; Không nhai hoặc không chấp nhận những thức ăn cứng. Từ 2 đến 3 tuổi, chậm nói hoặc có vấn đề nghiêm trọng trong phát triển ngôn ngữ; giới hạn giao tiếp mắt; không thích âu yếm hay sự quan tâm của người khác; không thích giao tiếp với bạn cùng trang lứa. Từ 4 đến 5 tuổi, nếu ngôn ngữ phát triển, có thể có chứng nhại lời (lặp lại theo kiểu học vẹt những gì người khác nói, nói ngay lập tức hay ngay sau đó); giọng nói kỳ cục (chẳng hạn như cách nói nhấn giọng hay đơn điệu); rất khó chịu khi thay đổi thói quen hang ngày; có thể cho thấy một số cải thiện về giao tiếp mắt, tương tác với người khác gia tăng nhưng vẫn còn hạn chế; các cơn giận và sự gây hấn vẫn tồn tại nhưng có thể dần dần cải thiện; tự làm tổn thương mình; tự kích động. Như vậy, trong giai đoạn sớm của tuổi đời, trẻ đã có những dấu hiệu bất thường liên quan tới giao tiếp, tiếp xúc với mẹ và người thân. Đó là những yếu tố sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển nói chung và phát triển nhận thức của TTK nói riêng.
- Hành vi bất thường
+ Hành vi gây phiền toái nơi công cộng
Do TTK có những hành vi khác thường gây phiền toái cho những người xung quanh nên các bậc phụ huynh rất ngại khi cho con đi đến chỗ đông người. Thường TTK ít quan tâm đến các chuẩn mực xã hội, muốn làm theo sở thích cá nhân nên rất dễ có những hành vi trái ngược với sự mong đợi của người khác như: la khóc khi người lớn không đáp ứng sở thích của trẻ, làm đổ một đống đồ khi vào siêu thị, chụp nhanh những đồng tiền từ tay nhân viên, tự lấy đồ ở giỏ sách của người khác, giật nhanh một món đồ chơi từ tay đứa trẻ bên cạnh,… mà không mắc cỡ, ngượng ngùng. Nhưng theo các chuyên gia về TTK, dù trẻ có làm vậy đi nữa, phụ huynh vẫn nên cho trẻ đến nơi công cộng, điều này giúp trẻ sống hòa nhập với mọi người và lâu dài sẽ có lợi cho sự phát triển của trẻ. Hành vi gây phiền toái nơi công cộng của TTK cho thấy, tính kém hòa nhập của TTK đối với cộng đồng, điều này có liên quan tới khả năng ứng xử về mặt xã hội của TTK.
+ La hét, giận dữ
TTK có những sở thích, thói quen kỳ lạ nên trẻ thường ứng xử không đúng với những chuẩn mực xã hội thông thường. Khi người lớn thấy vậy và ngăn chặn hành vi bất thường đó sẽ làm trẻ rất khó chịu và có những hành vi nổi cáu, gây hấn. Đồng thời do TTK gặp khó khăn về ngôn ngữ, không biểu đạt được những ý nghĩ của mình ra ngoài nên người lớn không hiểu trẻ và không làm theo ý muốn của trẻ. Vì vậy sự khó chịu của trẻ xuất hiện khá thường xuyên so với trẻ bình thường.
+ Hành vi định hình

Theo Kanner, hành vi định hình là biểu hiện điển hình của TTK. TTK có những hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại: trẻ thích đi đi lại lại trong phòng, thích xếp các đồ vật thành hàng thẳng; Vặn, xoắn các ngón tay và bàn tay; Nói đi nói lại một vài từ mà bé thích; Thích đến những nơi quen thuộc; Thích chạy vòng vòng và quay vòng vòng; Thích chơi các đồ chơi phát ra tiếng động; Thích bật tắt các nút điện hay điện tử,… Những trẻ khác nhau, sở thích về các hành vi định hình khác nhau. Đặc trưng trong hành vi định hình của TTK, là trẻ bám vào những sở thích quen thuộc, những hành vi lặp đi, lặp lại, ít có nhu cầu tìm tòi khám phá thế giới. Với sở thích kiên cố này ở TTK mà không được khắc phục, sẽ ảnh hưởng tới sự hiểu biết của TTK về các sự vật hiện tượng trong thế giới.
+ Không thích sự thay đổi
Hầu như TTK muốn tất cả mọi điều phải quen thuộc, gần gũi, trẻ rất ghét sự thay đổi, xáo trộn: từ những đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập cho đến nơi chốn sinh hoạt hàng ngày. Đối với TTK, sự không quen thuộc đồng nghĩa với sự thiếu an toàn, trẻ sẽ cảm thấy bất an khi có một người lạ, đồ vật lạ hay đến một nơi xa lạ. Do đó việc báo trước cho trẻ chuẩn bị tư tưởng để đón nhận những điều mới lạ là một việc hết sức quan trọng. Đặc điểm này cho thấy TTK không thích những gì mới lạ, và điều này sẽ ảnh hưởng tới nhận thức thế giới của TTK.
+ Những gắn bó bất thường
TTK ở một giai đoạn nào đó có những gắn bó với đồ vật theo cách không bình thường như: Trẻ mất quá nhiều thời gian vào sưu tầm các tờ báo, vỏ chai, đồ hộp, tờ lịch, sợi dây, cọng cỏ, bao nilon; Trẻ thích những đồ vật sinh hoạt trong nhà như: chén, bát, xoong, chảo, dĩa nhưng hoàn toàn không thích đồ chơi bình thường. Với những loại đồ vật này, trẻ tìm trong đó có một ý nghĩa thích thú nào đó mà người lớn không biết. Tuy nhiên trẻ có thể chơi với những vật này trong nhiều ngày, nhiều tháng mà không chán. Với sở thích này của TTK sẽ ảnh hướng tới sự tò mò, khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh của trẻ.
+ Những hành vi liên quan khác
Những cá nhân bị tự kỷ cũng có thể phát triển những triệu chứng đa dạng khác nhau, những rối loạn tinh thần xuất hiện bao gồm rối loạn tăng động kém chú ý (ADHD), (chứng) loạn tâm thần, sự buồn chán, rối loạn ám ảnh cưỡng bức và những rối loạn lo âu khác. Khoảng 25 phần trăm trẻ em và những thanh niên bị tự kỷ phát triển những cơn co giật bất thường. Những cá nhân bị tự kỷ cũng có thể có biểu hiện những hành vi phá phách. Trẻ có thể tấn công lại bản thân hay những người khác.
- Giao tiếp và quan hệ xã hội của trẻ tự kỷ
+ Sự hạn chế trên bình diện quan hệ
Trẻ bị suy giảm nhiều trong tương tác qua lại với mọi người, hầu hết TTK biểu hiện sự cô lập, thích chơi một mình, tránh giao tiếp với các bạn. Số đông phụ huynh có con tự kỷ cho rằng trong năm đầu tiên trẻ rất ngoan, yên tĩnh, thích chơi một mình, không thích giao tiếp mắt, không có dấu hiệu dang tay khi ai muốn bế bồng, không biết chỉ ngón trỏ và nhìn theo hướng chỉ tay của người khác, không sợ người lạ và cũng không thân thiện với người chăm sóc, không biết cười ở tháng thứ 3, không biết khóc hay biểu hiện sợ hãi ở tháng thứ 8, không phản ứng khi được gọi tên, tránh né giao tiếp bằng mắt nhưng lại có thể nhìn chăm chú vào một điểm bất thường, khả năng gắn bó với người thân rất kém như không bám theo cha mẹ giống trẻ bình thường. Có thể nói, hạn chế trên bình diện quan hệ xã hội là một trong số rối loạn phổ biến nhất ở TTK. Với sự rối loạn này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển nhận thức nói chung và nhận thức các kỹ năng quan hệ xã hội nói riêng ở TTK.
+ Sự hạn chế trong việc hiểu lời nói
Một trong những lý do mà các phụ huynh có con bị tự kỷ đưa trẻ tới bệnh viện khám bệnh là trẻ hầu như không có phản ứng khi được gọi, bé không quan tâm và không làm theo những hướng dẫn của người khác. Các phụ huynh cảm thấy rằng trẻ hoàn toàn không hiểu ngôn ngữ của họ cho dù trẻ vẫn có khả năng nghe bình thường. Ngoài ra tư duy ngôn ngữ của trẻ cũng gặp khó khăn như trẻ chỉ hiểu những ngôn ngữ trực diện, rõ ràng, không hiểu được những từ trừu tượng, cách nói ẩn dụ, so sánh, ví von, bóng gió,… Do đó mà những TTK không có khả năng nói dối và không phát hiện ra khi người khác nói dối. Ngôn ngữ lời nói là một kênh quan trọng trong chuyển tải thông tin giữa con người và con người, thông qua công cụ này cho phép con người lĩnh hội kiến thức từ những người xung quanh và từ các phương tiện truyền thông khác. Do hầu hết trẻ bị tự kỷ gặp khó khăn trong tiếp nhận lời nói và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển nhận thức của trẻ.
+ Sự suy giảm trong giao tiếp không lời
Hầu hết những TTK đều có khó khăn trong ngôn ngữ biểu cảm, đa số trẻ không hiểu và đồng thời cũng không biết thể hiện ra ngoài những hành vi phi ngôn ngữ, điều này thể hiện khá rõ thông qua việc trẻ không muốn giao tiếp bằng mắt và không biết sử dụng ngón trỏ để chỉ các đồ vật. Cụ thể là khi muốn điều gì, trẻ không nhìn vào mặt người khác và không sử dụng các tín hiệu cử chỉ để báo cho người khác biết, mà thường đến kéo tay họ đến chỗ bé cần (đối với trẻ, bàn tay quan trọng hơn khuôn mặt). Trong giao tiếp, nét mặt và tư thế của trẻ không bình thường, thiếu uyển chuyển trong tư thế, nét mặt vô hồn (vô cảm). Giao tiếp không lời là một kênh giao tiếp hết sức quan trọng của con người, thông qua hình thức giao tiếp này, con người có thể hiểu đầy đủ hơn các thông điệp hành vi, thái độ, xúc cảm, động cơ,… của người khác. Do TTK gặp khó khăn trong hình thức giao tiếp này sẽ dẫn đến sự hạn chế trong hiểu biết của trẻ về các kỹ năng ứng xử xã hội với người khác.
- Chậm phát triển ngôn ngữ
Có thể đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất đối với các phụ huynh có con bị tự kỷ, trẻ có biểu hiện mất ngôn ngữ hay trì hoãn ngôn ngữ. Ngay cả khi trẻ có ngôn ngữ thì ngôn ngữ đó cũng có dấu hiệu bất thường: giọng nói đều đều, không biết biểu cảm qua giọng nói; Không biết nói thầm, nói tiếng gió; Thích độc thoại hoặc không giữ vững cuộc đối thoại; Khó khăn trong việc dùng đại từ nhân xưng; Nhiều khi nói không liên quan đến tình huống giao tiếp, đến môi trường xung quanh; Lời nói tự phát, không có sự khởi đầu khi giao tiếp; Lời nói có khuynh hướng lặp đi lặp lại các từ, đoạn, câu. Ngôn ngữ là một thành phần quan trọng trong cấu trúc nhận thức của con người, đặc biệt là tư duy. Như vậy, khi TTK có khó khăn trong phát triển ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn trong nhận thức, đặc biệt là nhận thức lý tính.
- Thiếu nhạy cảm hoặc quá nhạy cảm về mặt giác quan
Ngày nay những chuyên gia dạy TTK rất quan tâm đến giác quan của trẻ. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết TTK ít nhiều đều có vấn đề về giác quan: biểu hiện là việc trẻ hay đưa các đồ vật lên ngửi, liếm các vật trẻ cầm trên tay, ăn muối không thấy mặn, ăn chanh không chua, quay tròn lâu không chóng mặt, thích leo trèo cao, thích lộn đầu xuống đất, đập đầu vào tường không biết đau, bịt tai khi nghe thấy âm thanh trong một bài hát hay đoạn quảng cáo,… Do đó mà trị liệu cảm giác (sensory therapy) cho trẻ tự kỷ rất được quan tâm hiện nay. Đây là một đặc điểm liên quan đến xử lý giác quan ở TTK, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận thức của TTK.
- Rối loạn về nhận thức
Như vậy, TTK có các rối loạn tâm lý – nhân cách, như: giao tiếp, quan hệ xã hội, hành vi, ngôn ngữ nhận thức…. Trên đây là những vấn đề cơ bản về đặc điểm tâm lý – nhân cách của trẻ có HCTK và những bất thường này có liên hệ chặt chẽ tới sự phát triển nhận thức của TTK.

Ts. Ngô Xuân Điệp