Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Phương pháp can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ- từ lý luận đến thực tiễn


Phương pháp can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ-
từ lý luận đến thực tiễn

TS. Nguyễn Thị Vân Thanh
Trung tâm giám định pháp y tâm thần TPHCM
(152-154 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TPHCM)
Đặt vấn đề
Can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ được các nhà tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu rất quan tâm. Bởi lẽ, chỉ khi nào hành vi của trẻ tự kỷ có được tính hợp lý với hoàn cảnh mới tạo điều kiện cho các tác động của tâm lý trị liệu và giáo dục trị liệu có hiệu quả.
Tuy nhiên, can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ là một vấn đề rất rộng lớn. Tác giả bài viết này không có tham vọng “với tới” hết các vấn đề hành vi của trẻ tự kỷ. Thay vào đó, tác giả chỉ bàn luận về một số khía cạnh của can thiệp hành vi và thực tiễn can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ trong lĩnh vực giáo dục học đặc biệt.
Hành vi và hành vi của trẻ tự kỷ
Trong tâm lý học, hành vi được sử dụng theo nhiều cách khá nhau. Hành vi thường được sử dụng với ý nghĩa là hành động. Nhưng nó có thể đề cập đến trạng thái cảm xúc và quá trình tư duy.
Hành vi là các hành động và phong cách do các sinh vật, hệ thống hoặc các thực thể nhân tạo tạo ra trong mối quan hệ với môi trường khác, hệ thống khác, sinh vật và môi trường vật lý xung quanh. Với ý nghĩa đó, khi có một kích thích nào đó tác động từ bên ngoài tác động vào cá nhân, cá nhân sẽ trả lời bằng một phản ứng nhất định nào đó.
Mô hình bộc lộ hành vi được mô tả như sau:
Như vậy, từ lúc kích thích đến hành động, cá nhân còn phải trải qua một quá trình tâm lý phức tạp ở bên trong. Quá trình tâm lý này ở các cá nhân khác nhau là khác nhau. Vì vậy, kích thích có thể giống nhau, nhưng trả lời của cá nhân khác nhau là khác nhau. Quá trình tâm lý của cá nhân cũng thay đổi theo thời gian, vì vậy, có thể cùng một kích thích nhưng ở những thời điểm khác nhau, hành vi trả lời cũng có thể khác nhau.
Ở những trẻ không có rối loạn, quá trình tâm lý diễn ra theo quy luật bình thường (quy luật này được nhiều người biết), vì vậy, dựa vào các kích thích ở đầu vào, ta có thể đoán biết được đáp ứng trả lời ở đầu ra. Tuy nhiên, đối với những trẻ có vấn đề nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng, quá trình tâm lý của trẻ không theo quy luật bình thường, trẻ không suy xét khi hành động và phản ứng cũng quá thái vì vậy rất khó đoán biết đáp ứng hành vi đầu ra của trẻ. Đó là lý do khiến cho nhiều trẻ tự kỷ bị người lớn ngược đãi vì những bộc lộ hành vi khác người của mình.
  Hành vi trong can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ thường hàm ý là những hành vi quan sát được, những hành vi này là những hành vi có vấn đề, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình dạy học, quá trình tương tác với những người khác trong gia đình, trong trường học và trong xã hội. Đó thường là những hành vi ít có ý nghĩa xã hội, tấn công người khác hoặc xâm hại bản thân, cản trở hoặc ngăn chặn quá trình tương tác với người khác và/hoặc quá trình học tập.

Từ lý luận về phương pháp can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ
Với cách thức hiểu như vậy, để can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ, các phương pháp can thiệp phải đi vào 2 hướng: (1) cải thiện các kích thích đầu vào; (2) tìm hiểu và đi theo các quá trình tâm lý bên trong.
Như vậy, để can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ có hiệu quả, người ta phải xác định được bản chất hành vi của trẻ, phải hiểu cái (R) trong mô hình thực chất bị gây ra bởi những yếu tố nào: do kích thích hay do quá trình tâm lý bên trong hay cả hai yếu tố. Muốn vậy, việc đánh giá sau đó đi đến phân tích hành vi của trẻ đóng một vai trò rất quan trọng. Khi phân tích hành vi của trẻ tự kỷ, người ta tìm hiểu được trẻ đó nghĩ gì, làm gì, để hiểu, giải thích, mô tả và dự đoán hành vi của trẻ.
Việc phân tích hành vi của trẻ bao gồm các bước:
-    Xác định hành vi: cân nhắc về mức độ và phạm vi, những ảnh hưởng của hành vi với trẻ, những phản ứng và những sự việc xảy ra trong môi trường xung quanh trẻ. Để can thiệp có hiệu quả, các hành vi này phải là những hành vi quan sát được và đo lường được. Ví dụ, ta có thể đếm được số lần trẻ đứng lên ngồi xuống trong lớp học, đo được thời gian trẻ có thể ngồi yên và tập trung vào bài học.
-    Quan sát hành vi đang xảy ra: bối cảnh xảy ra hành vi, các nhân vật, cách cư xử, ý thích và sự quan tâm của trẻ đến vật và sự việc xảy ra trước đó. Cần tìm hiểu, quan sát trực tiếp và cân nhắc cẩn thận xem đâu là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến hành vi của trẻ.
-    Ghi chép những sự việc đó: những thông tin vừa quan sát và thu thập được cần phải ghi chép để phân tích.
-    Phân tích: những dữ liệu ghi chép được cần được phân tích một cách kỹ lưỡng và lưu trữ cẩn thận.
-    Đánh giá: cần cân nhắc về ý nghĩa của mỗi thông tin thu nhận được và mối liên hệ giữa chúng.
-    Nêu giả thuyết tìm thử thách. Dựa trên những thông tin thu được, các giả thuyết về nguyên nhân hành vi có thể là một trong số các trường hợp sau:
+ Trẻ trốn tránh nhiệm vụ.
+ Trẻ thực hiện hành vi để thu hút sự chú ý của người xung quanh.
+ Trẻ muốn thể hiện quyền kiểm soát tình huống.
+ Trẻ muốn giao tiếp.
+ Trẻ căng thẳng hoặc chán nản.
+ Trẻ đang tự kích động hoặc giác quan bị kích thích.
-    Khái quát thành khái niệm: nhằm tìm hiểu xem bản chất hành vi của trẻ, nguyên nhân và những ảnh hưởng môi trường xã hội đến hành vi của trẻ.
Thực tiễn can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ
Hai loại phương pháp xử lý hành vi được giới thiệu trong khuôn khổ dạy học  là: phương pháp xử lý hành vi nổi cộm trong giờ học và phương pháp xử lý các hành vi bẻ gãy các hoạt động giảng dạy và xung khắc việc học một hành vi mới.
Đối với các hành vi nổi cộm trong quá trình giảng dạy, ta cần xử lý hành vi để quá trình dạy học vẫn tiếp tục được sau đó. Còn đối với hành vi bẻ gãy hoạt động giảng dạy và xung khắc với việc học một hành vi mới, ta cần làm chủ các hành vi này trước khi tiến hành hoạt động giảng dạy.
Thực tế, theo quan sát của tôi, nhiều giáo viên ở các trường chuyên biệt đã phân biệt để xử lý rất tốt các kiểu hành vi như thế.
Chẳng hạn, với một trẻ thường có thói quen đập đầu. Trẻ đập đầu vào bất cứ chỗ nào ở gần mình. Giáo viên chuẩn bị những chiếc gối ở xung quanh. Khi trẻ bắt đầu đập đầu thì để gối và hướng trẻ đập. Thường thì trẻ sẽ đập đầu cho hết cơn thì thôi. Vì thế, khi trẻ bắt đầu đập đầu, giáo viên tạm thời dừng giờ học. Đến lúc trẻ đập đầu xong thì lại tiếp tục giờ dạy.
Một trường hợp khác, cô đang giảng bài thì trẻ tát vào mặt cô, tấn công cô. Cô giáo xử lý bằng cách nắm lấy tay trẻ, xoa lưng, ôm trẻ. Khoảng 5p sau, trẻ đã yên thì tiếp tục tiến hành giảng dạy.
Có một số trường hợp, giáo viên tưởng mình đã dập tắt được hành vi xấu của trẻ nhưng thực tế lại làm xuất hiện hành vi xấu khác.
Ví dụ, khi trẻ tự cào cấu, tát vào mặt mình, cô giáo đánh vào tay trẻ. Đôi lúc sử dụng đánh vào tay trẻ có thể làm trẻ không tự tát vào mặt mình nữa. Hoặc mỗi khi trẻ có thói quen đập đầu vào chỗ gần mình, cô la trẻ, đánh trẻ. Biện pháp này cũng có thể có lúc có hiệu quả. Tuy nhiên, hành vi mới có thể chỉ mới được dập tắt một phần thì trẻ lại xuất hiện hành vi mới: cô giáo và học sinh đang ngồi nói chuyện vui vẻ với nhau thì học sinh (là trẻ tự kỷ) bất ngờ chọc ngón tay vào mắt cô  giáo thật mạnh. Hành vi này được nhìn nhận như là sự “trả thù” cho biện pháp bạo lực của cô giáo những lúc trước. Và rằng, có thể giáo viên chưa chú trọng việc phân tích tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa đằng sau hành vi của trẻ.
Thay cho lời kết
Có thể nhận xét như sau: nếu hành vi của trẻ tự kỷ được xử lý bằng những biện pháp mang tính nâng đỡ, dịu dàng thì hành vi xấu của trẻ có thể giảm hoặc tắt. Ngược lại, những hành vi của trẻ tự kỷ được xử lý bằng những biện pháp bạo lực thì hành vi đó có thể được dập tắt ở chừng mực nào đó. Tuy nhiên, điều đó lại làm xuất hiện những hành vi xấu khác. Thêm vào đó, cần tìm hiểu và phân tích hành vi của trẻ tự kỷ thì việc xử lý hành vi mới hiệu quả và triệt để tận gốc.

Tài liệu tham khảo
  1. Hỗ trợ kiến thức chăm sóc và giáo dục trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2010.
  2. Những hoạt động dạy trẻ tự kỷ. Bệnh viện Nhi đồng 1 (Sách lưu hành nội bộ).
  3. Autism and Asperger Syndrome. Cambridge University Press, 1991.
  4. Autism and Pervasive Developmental. Cambridge University Press, 2007.