Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

DAC DIEM DAC TRUNG CUA TRE TU KY



MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM ĐẶC TRƯNG CỦA TRẺ TỰ KỶ

Trẻ tự kỷ (TTK) có bề ngoài như bình thường. Các chỉ số phát triển vận động như: lẫy, ngồi, bò, trườn, đứng, đi, chạy... giống như trẻ bình thường cùng tuổi. Khác với một số bệnh cơ thể và bệnh tinh thần khác, trẻ bị rối loạn tự kỷ (TK) có tuổi thọ trung bình như người bình thường. Đồng thời, theo mô tả của Kanner, dường như TTK nói chung lại có bề ngoài khôi ngô tuấn tú. Nhưng hầu hết các mô tả về mặt chức năng tâm lý cho thấy có vấn đề rõ rệt.

Tuổi khởi phát

Kanner nhấn mạnh triệu chứng TK có thể phát hiện được ngay khi trẻ ra đời hoặc trong khoảng 30 tháng đầu sau sinh. Những bất thường ở trẻ em trong giai đoạn đầu đời từ 0 - 6 tháng tuổi cho phép phát hiện sớm: như thiếu những cử chỉ trao đổi vui mừng với mẹ; Không tỏ thái độ thích thú, quan tâm khi có người chăm sóc; Thái độ lạnh lùng, lãnh đạm, bình lặng đối với lời nói và khuôn mặt của người mẹ hoặc người thân; Có dấu hiệu né tránh, ngoảnh mặt đi nơi khác khi người khác ở tư thế đối diện với bé; Lặng im cả ngày, ít cử động, khi thì quá ngoan, khi thì quá phá phách; Trương lực cơ quá cứng hoặc quá mềm; Rối loạn giấc ngủ; Thiếu phản xạ bú, mút; Không phát âm bi bô; Không có nụ cười xã hội ở khoảng 4 - 6 tháng tuổi…


Cần đưa trẻ đi khám kịp thời nếu biểu hiện hội chứng TK (ảnh minh họa).
Ở vào khoảng 6 tháng tuổi đến một năm, trẻ không có những cử chỉ vui mừng và thích thú khi có mẹ hay người thân ở gần; Các cử chỉ, điệu bộ không phù hợp với tình huống giao tiếp; Thái độ lãnh đạm với âm thanh và hình ảnh hoặc những kích thích từ môi trường; Nhìn chằm chằm như bị hút vào những vật thể quay tròn, nhìn các ngón tay ve vẩy; Không quan tâm đến đồ chơi nhưng lại chú tâm đặc biệt vào những vật thể lạ như khe hở, hạt bụi, lỗ rách; Không có biểu hiện lo sợ, khóc khi đối diện với người lạ; Không phản ứng khi nghe gọi tên.

Giao tiếp và quan hệ xã hội của TTK

Sự hạn chế trên bình diện quan hệ

Trẻ bị suy giảm nhiều trong ứng xử qua lại với mọi người, hầu hết TTK biểu hiện sự cô lập, thích chơi một mình, tránh giao tiếp với các bạn… số đông phụ huynh cho rằng trong năm đầu tiên trẻ rất ngoan, yên tĩnh, thích chơi một mình, không thích giao tiếp mắt, không có dấu hiệu dang tay khi ai muốn bế bồng, không biết chỉ ngón trỏ và nhìn theo hướng chỉ tay của người khác, không sợ người lạ và cũng không thân thiện với người chăm sóc, không biết cười ở tháng thứ 3, không biết khóc hay biểu hiện sợ hãi ở tháng thứ 8, không phản ứng khi được gọi tên, tránh né giao tiếp bằng mắt nhưng lại có thể nhìn chăm chú vào một điểm bất thường, khả năng gắn bó với người thân rất kém.

Sự hạn chế trong việc hiểu lời nói của TTK

Một trong những lý do mà các phụ huynh có con bị TK đưa trẻ tới bệnh viện khám bệnh là trẻ hầu như không có phản ứng khi được gọi tên, trẻ không quan tâm và làm theo những hướng dẫn của người khác. Các phụ huynh cảm thấy rằng trẻ hoàn toàn không hiểu ngôn ngữ của họ cho dù trẻ vẫn có khả năng nghe bình thường.

Sự suy giảm trong giao tiếp không lời

Hầu hết những trẻ TK đều có khó khăn trong ngôn ngữ biểu cảm, đa số trẻ không hiểu và đồng thời cũng không biết thể hiện ra ngoài những hành vi phi ngôn ngữ, điều này thể hiện khá rõ thông qua việc trẻ không muốn giao tiếp bằng mắt và không biết sử dụng ngón trỏ để chỉ các đồ vật. Cụ thể là khi muốn điều gì, trẻ không nhìn vào mặt người khác và không sử dụng các tín hiệu cử chỉ để báo cho người khác biết mà thường đến kéo tay họ đến chỗ bé cần (đối với trẻ, bàn tay quan trọng hơn khuôn mặt).

Chậm phát triển ngôn ngữ

Có thể đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất đối với các phụ huynh có con bị TK, trẻ có biểu hiện sự mất ngôn ngữ hay chậm trễ trong phát triển ngôn ngữ. Ngay cả khi trẻ có ngôn ngữ thì ngôn ngữ đó cũng có dấu hiệu bất thường: giọng nói đều đều, không biết biểu cảm qua giọng nói; Không biết nói thầm, nói tiếng gió; Thích độc thoại hoặc không giữ vững cuộc đối thoại; Khó khăn trong việc dùng đại từ nhân xưng; Nhiều khi nói không liên quan đến tình huống giao tiếp, đến môi trường xung quanh; Lời nói tự phát, không có sự khởi đầu khi giao tiếp; Tiếng nói có khuynh hướng lặp đi lặp lại các từ, đoạn, câu.

Hành vi bất thường

Hành vi định hình

Theo Kanner, hành vi định hình là biểu hiện điển hình của TTK. Quan sát lâm sàng cho thấy TTK có hững hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại: trẻ thích đi đi lại lại trong phòng, thích xếp các đồ vật thành hàng thẳng; Vặn, xoắn các ngón tay và bàn tay; Thích chạy vòng vòng và quay vòng vòng; Thích chơi các đồ chơi phát ra tiếng động; Thích bật tắt các nút điện hay điện tử… Những trẻ khác nhau, sở thích về các hành vi định hình khác nhau.

Không thích sự thay đổi

Hầu như TTK muốn tất cả mọi điều phải quen thuộc, gần gũi, trẻ rất ghét sự thay đổi, xáo trộn: từ những đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập cho đến nơi chốn sinh hoạt hàng ngày. Đối với TTK, sự không quen thuộc đồng nghĩa với sự thiếu an toàn, trẻ sẽ cảm thấy bất an khi có một người lạ, đồ vật lạ hay đến một nơi xa lạ. Do đó, việc báo trước cho trẻ chuẩn bị tư tưởng để đón nhận những điều mới lạ là một việc hết sức quan trọng.

Thiếu nhạy cảm hoặc quá nhạy cảm

Ngày nay, những chuyên gia dạy TTK rất quan tâm đến giác quan của trẻ. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết TTK ít nhiều đều có vấn đề về giác quan, biểu hiện việc trẻ hay đưa các đồ vật lên ngửi, liếm. Các rối loạn khác như ăn muối không thấy mặn, ăn chanh không chua, quay tròn lâu không chóng mặt, thích leo trèo cao, thích lộn đầu xuống đất, đập đầu vào tường không biết đau, bịt tai khi nghe thấy âm thanh thông thường. Do đó, trị liệu cảm giác (sensory therapy) cho TTK là một công việc rất được quan tâm hiện nay.

Những gắn bó bất thường

TTK ở một giai đoạn nào đó có những gắn bó với đồ vật theo cách không bình thường như: hàng ngày chỉ sưu tầm các tờ báo, vỏ chai, đồ hộp, tờ lịch, sợi dây, cọng cỏ, bao nilon. TTK thích những đồ vật trong sinh hoạt gia đình như: chén, bát, xoong, chảo, dĩa nhưng hoàn toàn không thích đồ chơi bình thường.


Hành vi gây phiền toái nơi công cộng

Thường TTK ít quan tâm đến các chuẩn mực xã hội, muốn làm theo sở thích cá nhân nên rất dễ có những hành vi trái ngược với sự mong đợi của người khác như: la khóc khi người lớn không đáp ứng sở thích của trẻ, chụp nhanh những đồng tiền từ tay nhân viên bán hàng hay một món đồ chơi từ tay đứa trẻ bên cạnh, tự lấy đồ ở giỏ sách của người khác mà không mắc cỡ, ngượng ngùng. Do TTK có những hành vi khác thường gây phiền toái cho những người xung quanh nên các bậc phụ huynh rất ngại khi cho con đi đến chỗ đông người. Nhưng theo các chuyên gia nghiên cứu về TTK, dù trẻ có làm vậy đi nữa, phụ huynh vẫn nên cho trẻ đến nơi công cộng, điều này giúp trẻ sống hòa nhập với mọi người và lâu dài sẽ có lợi cho sự phát triển của trẻ.

La hét, giận dữ

TTK có những sở thích, thói quen kỳ lạ nên trẻ thường ứng xử không đúng với những chuẩn mực xã hội thông thường. Khi người lớn thấy vậy và ngăn chặn hành vi bất thường đó sẽ làm trẻ rất khó chịu và có những hành vi nổi cáu, gây hấn. Đồng thời do TTK gặp khó khăn về ngôn ngữ, không biểu đạt được những ý nghĩ của mình ra ngoài nên người lớn không hiểu trẻ và không hiểu nhu cầu của trẻ. Vì vậy, sự khó chịu của trẻ xuất hiện khá thường xuyên so với trẻ bình thường.

Những hành vi liên quan khác

Những cá nhân bị TK cũng có thể phát triển những triệu chứng đa dạng khác nhau, những rối loạn tinh thần xuất hiện bao gồm rối loạn tăng động kém chú ý, (chứng) loạn tâm thần, sự buồn chán, rối loạn ám ảnh cưỡng bức và những rối loạn lo âu khác. Những cá nhân bị TK cũng có thể có biểu hiện những hành vi phá phách. Trẻ có thể tấn công lại bản thân hay những người khác. Trên đây là những đặc điểm cơ bản về hội chứng TK, điều này giúp chúng ta có cách nhìn toàn diện, khái quát về TTK, trên cơ sở đó sẽ giúp cho các giáo viên tại các nhà trẻ, những nhà tâm lý trị liệu, các bác sĩ nhi khoa và toàn thể phụ huynh phát hiện sớm và đưa trẻ đi khám kịp thời.


Y học chuyên đề - Sức khỏe trẻ em [ 21/10/2008 9:09 GMT+7 ]
GiaoDucSucKhoe.net

TS.Ngô Xuân Điệp - Chuyên viên tâm lý - Sức Khỏe & Đời Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét