Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

NHAN THUC CUA TRE TU KY





NHẬN THỨC CỦA TRẺ TỰ KỶ

I. Đặt vấn đề
Thông qua nghiên cứu những ghi chép lịch sử cũng như sưu tầm từ tác phẩm văn học cổ đại, các nhà khoa học ngày nay cho rằng: bệnh tự kỷ đã có từ lâu trong lịch sử. Các câu chuyện dân gian cho rằng những cá nhân bị chứng này là do ma làm, quỷ ám…và bị tẩy chay khỏi cộng đồng. Y học xếp bệnh này chung với chậm phát triển trí tuệ hay bệnh tâm thần phân liệt. Sau này, bệnh tự kỷ chính thức được bác sĩ tâm thần nhi Leo Kanner nhận xét và mô tả vào năm 1943 tại Mỹ.Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc hội chứng tự kỷ khá cao trong dân số, bình quân vào khoảng từ 58 đến 60 trẻ tự kỷ trên 10.000 trẻ được sinh ra, và có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Theo thông báo của Thượng viện Hoa Kỳ tháng 12 năm 2006[1],cứ bình quân khoảng 166 trẻ được sinh ra sẽ có 1 trẻ bị hội chứng tự kỷ. Con số thống kê của bộ giáo dục Hoa Kỳ cho thấy bình quân 68 gia đình Hoa Kỳ sẽ có một gia đình có người bị tự kỷ. Báo cáo từ Bộ Y tế Trung Quốc 2006, cả nước hiện có hơn 1,6 triệu trẻ tự kỷ và tỷ lệ còn có thể cao hơn nữa vì nhiều trẻ chưa được chẩn đoán kịp thời. Khái niệm “dịch tự kỷ” đã xuất hiện ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Như vậy hội chứng tự kỷ là bệnh chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số.Ở VN chưa có con số nghiên cứu toàn diện về trẻ có hội chứng tự kỷ trên cả nước. Theo con số thống kê năm 2007 tại Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh có 170 trẻ và Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. Hồ Chí Minh là 212 trẻ có hội chứng tự kỷ đến khám và điều trị.
Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi không có điều kiện giới thiệu kỹ về bệnh tự kỷ ở trẻ em và vấn đề nhận thức nói chung. Mục tiêu chính của bài báo này là trình bày một phần kết quả nghiên cứu của chính tôi về nhận thức của trẻ tự kỷ ở TP. Hồ Chí Minh thông qua sử dụng một số công cụ.
Test Denver II: Test sàng lọc sự phát triển Denver (The Denver Developmental Screening Test), được hiểu một cách đơn giản là thang Denver, là một trắc nghiệm dùng để tầm soát những vấn đề về nhận thức và hành vi của trẻ em trước tuổi học. Test Denver được xây dựng bởi
William K. Frankenburg, J.B. Dobbs và các cộng sự tại trung tâm y khoa trường đại học Denver², Colorado, Hoa Kỳ năm 1967. Test Denver có tác dụng “tầm soát” hay còn gọi là “sàng lọc” những tình trạng chậm phát triển trí tuệ và vận động của trẻ em từ sơ sinh cho đến 6 tuổi. Bài báo này sử dụng Denver với mục đích xác định mức độ phát triển trí tuệ của trẻ tự kỷ như: chậm phát triển, nghi ngờ chậm phát triển, phát triển bình thường và phát triển tiến bộ.
Thang đánh giá mức độ tự kỷ ở trẻ em CARS: CARS (Childhood Autism Rating Scale) được thiết kế bởi ba nhà tâm lý học Mỹ là Eric Schopler, Robert J.Reichler và Barbara Rochen Renner, nhằm nghiên cứu thực trạng hành vi của trẻ tự kỷ. Thang đánh giá gồm 60 tiêu chí với 15 lĩnh vực cần chẩn đoán khác nhau ở trẻ. Trong đề tài này, chúng tôi sử dụng thang CARS với mục đích phân loại ba mức độ tự kỷ khác nhau là tự kỷ nhẹ, tự kỷ nặng và tự kỷ rất nặng.Thang đo nhận thức: Chúng tôi đã tiến hành thiết kế hai thang đo nhận thức, nhằm đánh giá khả năng nhận thức sự vật và hiện tượng liên quan đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ tự kỷ. Thang đo thức sự vật, bao gồm những lĩnh vực khác nhau như: Phương tiện giao thông, các loại quả (trái), đồ điện sinh hoạt, gia xúc và gia cầm, các loại đường, các loại hình học, nghề nghiệp, môn thể thao. các loại hoa, mối quan hệ xã hội, con thú, các loại cây, đồ dùng cá nhân, bộ phận cơ thể, kích thước đồ vật, vị trí của đồ vật,… Thang đo nhận thức hiện tượng được thiết kế thành các lĩnh vực, như: trò chơi sắm vai, khả năng kể chuyện, khả năng xử lý tình huống thông thường. kể tên khái quát các chủng loại sự vật, khả năng học toán, biết các chức năng của đồ vật, biết giả vờ, biết chức năng của bộ phận cơ thể, chức năng của nghề, hiểu và biểu lộ cảm nhận giác quan, nghe lệnh và làm theo mệnh lệnh, nghe hiểu và trả lời thông tin liên quan đến cá nhân, bắt chước hành động, bắt chước âm thanh, khả năng yêu cầu, khả năng tham gia nhóm, …


II. Giới thiệu một số biểu hiện tâm lý của trẻ tự kỷ

Năm 1943, Kanner đã mô tả một nhóm trẻ có những tính cách cô lập và xa cách, ông đặt tên cho những đặc điểm đó là hội chứng tự kỷ( Autism) . Mô tả của ông như sau: trẻ tự kỷ thiếu quan hệ tiếp xúc về mặt tình cảm với người khác; cách chọn lựa các thói quen hàng ngày rất giống nhau về tính tỉ mỉ và tính kỳ dị; không có ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ thể hiện sự bất thường rõ rệt; rất thích xoay tròn các đồ vật và thao tác rất khéo; có khả năng cao trong quan sát không gian và trí nhớ “như con vẹt”; khó khăn trong học tập ở những lĩnh vực khác nhau; vẻ bề ngoài những trẻ này xinh đẹp, nhanh nhẹn, thông minh; thích độc thoại trong thế giới tự kỷ; thất bại trong việc hiểu hành vi giả vờ và hành vi đoán trước; chỉ hiểu nghĩa đen của câu nói; thích tiếng động và vận động lặp đi lặp lại đơn điệu; giới hạn đa dạng các hoạt động tự phát (Lorna Wing 1998 và Jack Cott 1999). Kanner nhấn mạnh triệu chứng tự kỷ có thể phát hiện được ngay khi trẻ ra đời hoặc trong khoảng 30 tháng đầu. Từ những phát hiện này của Kanner, khoa học y học đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc chẩn đoán một dạng bệnh tâm trí. Sau này khái niệm tự kỷ được mở rộng thành khái niệm Rối loạn tự kỷ rồi đến Phổ tự kỷ. Công trình nghiên cứu của Kanner ban đầu ít được chú ý, sau đó được phổ biến nhanh chóng và ngày nay là trọng tâm của nhiều công trình nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới (Wing 1989).
Do trẻ tự kỷ có những mức độ nhận thức khác nhau nên ngay từ khi phát hiện ra bệnh, Leo Kanner đã có sự hiểu sai về mối quan hệ giữa tự kỷ và giảm sút trí tuệ. Sau khi quan sát một trẻ trai có bề ngoài khôi ngô tuấn tú hoàn thành tốt một số phần trong trắc nghiệm IQ, Kanner và một số nhà tâm lý học sau ông cho rằng những trẻ tự kỷ không bị chậm phát triển trí tuệ. Ông kết luận cá nhân bị tự kỷ được gọi là “trì trệ trong chức năng”.
Sau nhiều thập niên nghiên cứu, ngày nay các nhà khoa học thấy rằng khi áp dụng thích hợp các trắc nghiệm phát triển đã cho thấy tính toàn vẹn của nó, các thang đo được xem là hoàn chỉnh khi đo đạc chỉ số thông minh và chỉ số phát triển( chỉ số IQ và DQ) thì vấn đề chậm phát triển tâm thần được coi là yếu tố chính của những cá nhân bị tự kỷ (Rutter, Bai­ley, Bolton, & Le Couter, 1994) và kéo dài suốt cuộc đời (Lockyer & Rutter, 1969, 1970). Khi tiến hành các nghiên cứu cụ thể trên các trắc nghiệm đã được kiểm chứng, Sandra(2000) cho là hầu hết trẻ bị tự kỷ có khả năng phát triển trí tuệ dưới mức bình thường, cụ thể có khoảng 70% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ và 30% còn lại là trung bình và trên trung bình. Những trẻ có khả năng nhận thức bình thường có thể làm chủ nhiều bài tập ở chương trình học phổ thông, nhưng vẫn còn những triệu chứng của bệnh tự kỷ như khó khăn giao tiếp, không quan tâm đến những người xung quanh, hạn chế trong hiểu và biểu hiện xúc cảm, tình cảm, … Như vậy: trẻ tự kỷ có đời sống trí tuệ rất khác nhau. Mỗi một trẻ tự kỷ khác nhau sẽ phát triển khả năng trí tuệ khác nhau, trong đó phần lớn trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ. Có thể nói, hội chứng tự kỷ là một hội chứng đa khuyết tật, biểu hiện sự rối loạn phát triển trong hành vi, nhận thức, ngôn ngữ và quan hệ xã hội. Trẻ tự kỷ muốn đóng kín thế giới riêng của mình, không quan tâm đến thế giới xung quanh, không muốn giao tiếp liên lạc với người khác. Do đó trẻ tự kỷ rất hạn chế trong việc hiểu biết môi trường xung quanh, các chuẩn mực xã hội nói chung và những quy tắc, kĩ năng ứng xử qua lại giữa con người.
Như vậy, hội chứng tự kỷ đưa đến khiếm khuyết về tinh thần, gây ra những biểu hiện bất thường về xúc cảm-tình cảm; hành vi, ứng xử xã hội sai lệch; ngôn ngữ và nhận thức không phù hợp với thực tế. Khác với trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ tự kỷ có những mức độ nhận thức hết sức khác nhau từ chậm phát triển nặng, trung bình đến nhẹ, thậm chí có cả những tài năng, thần đồng về học tập cũng bị tự kỷ.III. Nhận thức của trẻ tự kỷ Để hiểu rõ hơn tình trạng nhận thức của trẻ tự kỷ, chúng tôi đã tiến hành nghiên trên 104 trẻ tự kỷ có độ tuổi từ 36 đến 72 tháng tuổi và 68 trẻ bình thường cùng tuổi làm nghiên cứu đối chứng.



1. Đánh giá mức độ tự kỷ ở trẻ em
Để phân biệt được mức độ tự kỷ khác nhau của trẻ, chúng tôi dựa vào thang Đánh giá Mức độ Tự kỷ ở Trẻ em (CARS). Do thang CARS là thang dùng cho đánh giá mức độ tự kỷ, nên chúng tôi không sử dụng thang này đánh giá trên trẻ bình thường.
Tiến hành nghiên cứu 104 trẻ tự kỷ, chúng tôi đã xếp loại ra ba nhóm trẻ có mức độ tự kỷ khác nhau là: tự kỷ nhẹ chiếm14,4%, tự kỷ nặng 51,9% và tự kỷ rất nặng 33,7% (xem bảng 1).Theo các nhà nghiên cứu về trẻ tự kỷ, thể tự kỷ nặng và được mô tả đầu tiên là tự kỷ điển hình hay thể tự kỷ Kanner; tiếp theo là mô tả của Asperger đối với những trẻ có mức độ tự kỷ nhẹ hơn và được gọi là hội chứng Asperger. Thời gian cuối thế kỷ 20, Lorna Wing đã đưa ra khái niệm phổ tự kỷ, nghĩa là tự kỷ là một hội chứng có một (quang) phổ rất rộng, từ tự kỷ nặng đến tự kỷ nhẹ hoặc từ tự kỷ điển hình đến tự kỷ không điển hình cho đến hội chứng Asperger. Trong bài báo này, chúng tôi chỉ nghiên cứu hai mức độ tự kỷ khác nhau là tự kỷ điển hình (F 84.0) và tự kỷ không điển hình (F 84.1). 2. Khả năng trí tuệ của trẻ tự kỷQua kiểm tra test Denver II. Tiến hành làm trắc nghiệm trên 68 trẻ bình thường cho thấy, 100% trẻ có mức độ phát triển bình thường, không có trẻ nào chậm phát triển và nghi ngờ chậm phát triển. Trong khi đó kết quả kiểm tra trên 104 trẻ tự kỷ cùng nhóm tuổi lại có tới 76.9% trẻ chậm phát triển, 13.5% trẻ nghi ngờ chậm phát triển và 9.6% trẻ phát triển bình thường, không có trẻ nào phát triển tiến bộ. Do vậy số trẻ tự kỷ có biểu hiện chậm phát triển là rất cao.
Như vậy, không phải mọi trẻ tự kỷ đều có khả năng phát triển trí tuệ như nhau, tùy từng trẻ khác nhau sẽ có mức độ trí tuệ khác nhau, trong đó số trẻ tự kỷ chậm phát triển trí tuệ chiếm tỉ lệ cao. Trẻ tự kỷ chậm phát triển là trẻ không làm được phần lớn những mục trong các lĩnh vực của test Denver mà đúng ra trẻ phải hoàn thành theo mức độ quy định của tuổi trắc nghiệm, các trẻ này đều có những khó khăn nghiêm trọng về nhận thức và giao tiếp xã hội, khó có thể theo học trong những lớp học bình thường, vì vậy các trẻ này cần có chương trình can thiệp đặc biệt để giúp trẻ phát triển khả năng nhận thức và ứng xử hành vi. Trong số 9.6% trẻ có khả năng phát triển trí tuệ bình thường có mức độ nhận thức, hiểu biết gần như trẻ bình thường và có thể tham gia vào lớp học phổ thông, tuy nhiên những trẻ này vẫn còn một số khó khăn trong một số môn học, cũng như hòa nhập cộng đồng cùng các bạn trang lứa. Những trẻ bị nghi ngờ chậm phát triển nếu được can thiệp sớm sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn, ngược lại nếu trẻ không được can thiệp hoặc can thiệp không đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng chậm phát triển trí tuệ. Do đó, can thiệp sớm là một phương án tối ưu nhất đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Khác với trẻ bình thường, khi trong cả bốn lĩnh vực của test Denver là: Vận động thô, ngôn ngữ, vận động tinh tế - thích ứng và cá nhân - xã hội phát triển một cách đồng đều nhau, thì ở trẻ tự kỷ cho thấy sự mất cân đối trong phát triển hết sức rõ rệt. Cụ thể là, hầu hết trẻ bị tự kỷ được đưa đi khám với lý do chậm nói. Những người chăm sóc đều có thắc mắc là, khi so sánh với các trẻ cùng tuổi khác, con họ bị chậm phát triển ngôn ngữ rõ ràng, trẻ thường phát ra những âm thanh vô nghĩa khiến họ không hiểu được. Một số phụ huynh khác cho rằng, trước đây trẻ đã nói một vài từ nhưng sau đó không bao giờ nói đến từ đó nữa hay đôi khi mọi người rất vui khi trẻ nói đúng tình huống một số từ, nhưng chưa bao giờ trẻ lặp lại từ theo yêu cầu. Kết quả kiểm tra test Denver cho thấy, có tới 76.9% trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ và chỉ có 23.1% trẻ có phát triển ngôn ngữ bình thường. Hầu như trẻ tự kỷ đến khám với lý do chậm nói, nhưng qua quá trình thăm khám, chúng tôi thấy trẻ gặp những khiếm khuyết nghiêm trọng liên quan đến quan hệ xã hội. Các phụ huynh cho rằng, con họ thờ ơ với mọi người xung quanh, kể cả cha mẹ, chúng thích chơi một mình hơn chơi với người khác. Khi đến trường, trẻ không thích hòa nhập với bạn bè, không quan tâm đến những gì cô giáo hướng dẫn. Kết quả nghiên cứu trên trẻ về lĩnh vực cá nhân – xã hội cho thấy, có 78.8% trẻ bị chậm phát triển và 21.2% phát triển bình thường. Ngoài hai khiếm khuyết cơ bản trên, trẻ tự kỷ còn khiếm khuyết liên quan đến hành vi, khi trẻ thường có những hành vi định hình, lặp đi lặp lại một cách bất thường, không muốn thay đổi thói quen hàng ngày. Kết quả nghiên cứu trên lĩnh vực vận động tinh tế và thích ứng cho thấy 47.1% trẻ tự kỷ chậm phát triển ở lĩnh vực này. Trong quá trình thăm khám một cá nhân, sau khi đưa ra chẩn đoán tự kỷ, các phụ huynh có chung thắc mắc là họ không hề phát hiện sự phát triển bất thường nào 73 con họ trong hơn một năm đầu sau sinh, vì các mốc về vận động, như lẫy (lật), ngồi, bò, đứng, đi ở trẻ đều phát triển bình thường. Tương ứng với kết quả nghiên cứu 104 trẻ tự kỷ thông qua test Denver cho thấy, trong lĩnh vực vận động thô có 90.4% trẻ phát triển bình thường và chỉ có 9.6% trẻ chậm phát triển.
Qua kết quả test Denver cho thấy, trẻ tự kỷ gặp khó khăn nghiêm trọng trong lĩnh vực ngôn ngữ, cá nhân và xã hôi, vận động tinh tế và thích ứng; trong khi, lĩnh vực vận động thô cho thấy sự phát triển gần như trẻ bình thường.
Quan sát bảng nghiên cứu số 1 thấy rằng, có một tỉ lệ thuận giữa mức độ phát triển trí tuệ với mức đô tự kỷ của trẻ em. Ở mức độ tự kỷ rất nặng, có tới 100% chậm phát triển trí tuệ; nhưng ở mức độ tự kỷ nhẹ, có khoảng 20% trẻ bị chậm phát triển trí tuệ. Đồng thời trong số trẻ phát triển trí tuệ bình thường không có trẻ nào ở mức độ tự kỷ rất nặng, trong khi đó tự kỷ nhẹ chiếm tới 53.3%. Như vậy, mức độ nặng, nhẹ của tính tự kỷ khác nhau có ảnh hưởng đến mức độ nhận thức tốt hay không tốt ở trẻ tự kỷ: tính tự kỷ càng nặng thì khả năng trí tuệ càng thấp và ngược lại tính tự kỷ càng nhẹ thì khả năng trí tuệ càng cao.


2. Nhận thức sự vật của trẻ tự kỷ
Do hầu hết trẻ tự kỷ bị hạn chế trong phát triển trí tuệ, nên khả năng nhận thức của trẻ cũng gặp những khó khăn nhất định. Kết quả nghiên cứu trên 104 trẻ tự kỷ về khả năng nhận biết các sự vật thông qua hình ảnh và đồ vật cho thấy: có 83 trẻ nhận thức kém và rất kém, ngược lại chỉ có số lượng nhỏ là 7 trẻ có nhận thức tốt và rất tốt; như vậy trong nhận thức sự vật, những trẻ tự kỷ khác nhau cũng có mức độ nhận thức khác nhau, trong đó nhận thức kém và rất kém chiếm số lượng cao nhất.
Liên hệ với khả năng nhận thức sự vật, trong quá trình thăm khám trẻ có hội chứng tự kỷ, một số phụ huynh cho rằng, trong khi các trẻ khác rất thích đồ chơi, thì con họ không quan tâm cũng như không muốn đụng chạm tới những đồ chơi thông thường; các đồ vật xung quanh có hấp dẫn đến mấy cũng không thu hút sự chú ý của trẻ. Một điều mà các phụ huynh thắc mắc là con họ rất thích cầm một vật trên tay như: ống hút, sợi dây, cành cây, cộng cỏ, cộng thun, vỏ hộp… trẻ có thể chơi với đồ vật này hàng giờ đồng hồ mà không biết chán, thậm chí chơi hết ngày này đến ngày khác chỉ một đồ vật. Thông thường những vật này không có ý nghĩa nhiều đối với trẻ bình thường. Trong khi những trẻ bình thường chơi với mọi đồ vật khác nhau và luôn khám phá thế giới nhằm thỏa mãn trí tò mò, thì trẻ tự kỷ tốn quá nhiều thời gian vào chơi chỉ với một vài đồ vật. Với thói quen và sở thích nghèo nàn này, trẻ tự kỷ không có nhu cầu khám phá thế giới và dẫn đến hạn chế nghiêm trọng trong nhận thức và hiểu biết đồ vật xung quanh.
Khi so sánh khả năng nhận thức đồ vật giữa trẻ bình thường và trẻ tự kỷ, ở mức độ nhận thức rất tốt, trong khi trẻ bình thường chiếm 73.5% thì trẻ tự kỷ là 1.9%; trái lại, ở mức độ nhận thức rất kém, khi không có trẻ bình thường nào rơi vào thì ở trẻ tự kỷ có tới 46.2%. Như vậy, khả năng nhận thức sự vật của trẻ hạn chế nhiều so với trẻ bình thường cùng tuổi.


3. Nhận thức hiện tượng của trẻ tự kỷ
Do thang đo hiện tượng bao gồm những lĩnh vực liên quan đến tư duy và hành vi ứng xử và đây cũng là những lĩnh vực trẻ tự kỷ gặp khó khăn. Qua bảng kết quả nghiên cứu trên cho thấy, số trẻ tự kỷ nhận thức kém là 58.7% và số trẻ nhận thức rất tốt chỉ là 1.9%. Như vậy, trẻ tự kỷ rất hạn chế trong nhận thức hiện tượng. Liên quan đến lĩnh vực tư duy, các nhà chuyên môn cho rằng trẻ tự kỷ khó khăn trong hiểu những khái niệm trừu tượng, kỹ năng khái quát rất hạn chế, trẻ không biết chơi tưởng tượng, chơi giả vờ, chơi đóng vai như trẻ bình thường; ngay cả khi trẻ tự kỷ lớn và có ngôn ngữ thì trẻ cũng khó hiểu những câu nói mang hàm ý ẩn dụ, câu nói bóng gió, chỉ hiểu nghĩa đen, ý nghĩa trực tiếp của câu nói; trẻ không biết nói đùa, và không phân biệt giữa những lời nói dối và nói thật. Về hành vi ứng xử trẻ cũng gặp những trở ngại nhất định: không quan tâm đến những chuẩn mực xã hội hiện hành; trong mọi nơi, mọi lúc, mọi tình huống trẻ thích hành động theo thói quen hơn là ứng phó hành vi phù hợp với hoàn cảnh; luôn có những hành vi kì cục, bất thường. Với mục đích muốn biết rõ hơn về khả năng nhận thức hiện tượng của trẻ tự kỷ, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đối chứng với trẻ bình thường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở mức độ nhận thức rất tốt, trẻ bình thường chiếm 83.3% và trẻ tự kỷ chỉ chiếm 1.9%; Ở mức độ nhận thức kém, trong khi không có trẻ bình thường nào rơi vào, thì trẻ tự kỷ lại chiếm tới 58.7%. Với các con số trái ngược trên, chúng ta thấy trẻ tự kỷ gặp khiếm khuyết nghiêm trọng trong nhận thức hiện tượng.

4. Khả năng gọi tên sự vật
Gọi tên sự vật là khả năng trẻ nhận biết và gọi đúng tên danh từ của đồ vật. Như vậy, ngoài khả năng xác định chính xác đồ vật, trẻ còn phải có khả năng ngôn ngữ để gọi đúng tên đồ vật đó. Kết quả nghiên cứu trên 104 trẻ cho thấy, có tới 72.1% trẻ ở mức độ rất kém và 1.9% trẻ ở mức độ rất tốt. Với số phần trăm trẻ ở hai mức độ nhận thức trên, chúng ta đi đến kết luận là trẻ tự kỷ cũng rất kém về khả năng gọi tên sự vật. Như chúng ta đã biết, khả năng xác định sự vật và khả năng gọi tên sự vật đã xuất hiện ở trẻ bình thường từ 2 đến 2.5 tuổi; trong giai đoạn này trẻ em đã sử dụng thành thạo ngón trỏ của mình đề chỉ các đồ vật, thông thường trẻ biết xác định đồ vật trước hết thông qua ngôn ngữ nghe hiểu, và sau đó là trẻ biết sử dụng ngôn ngữ nói để gọi tên đồ vật đó. Liên hệ với khả năng gọi tên sự vật của trẻ tự kỷ chúng ta thấy có tới 72.7% trẻ tự kỷ chưa có khả năng bằng trẻ bình thường 2,5 tuổi. Khi so sánh với khả năng gọi tên sự vật của trẻ bình thường (xem bảng 2), chúng tôi thấy có một sự khác nhau rõ ràng giữa hai nhóm trẻ. Trong mức độ nhận thức rất kém, khi không có trẻ bình thường nào rơi vào, thì ở trẻ tự kỷ có tới 72.1% số trẻ và ở nhận thức rất tốt khi c1 tới 58.8%, thì ờ trẻ tự kỷ chỉ có 1.9%. Như vậy khả năng gọi tên sự vật ở trẻ tự kỷ hạn chế nhiều so với trẻ bình thường cùng tuổi.

5. Nhận thức chung
Kết quả thu được trong nhận thức chung là tổng kết quả của ba thang: nhận thức sự vật, nhận thức hiện tượng và gọi tên sự vật. Kết quả nghiên cứu trên 104 trẻ tự kỷ cho thấy, ở mức độ nhận thức rất kém có 44.2% và nhận thức rất tốt có 1.9%. với hai con số khá chênh lệch trên chứng tỏ khả năng nhận thức của trẻ tự kỷ là rất kém.
Như chúng ta đã biết, khả năng nhận thức của trẻ có liên quan đến nhu cầu tìm hiểu thế giới, khả năng trí tuệ, số lần tiếp cận sự vật, hiện tượng của trẻ và cách thức hướng dẫn của người lớn. Khi liên hệ với bốn đặc điểm trên thì trẻ tự kỷ đều gặp những khó nhăn nhất định: Thứ nhất: Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta điểm qua về nhu cầu tìm hiểu thế giới mang tình tự nhiên của trẻ bình thường. Nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh của trẻ bình thường gần như mang tình bản năng, ngay từ khi sinh ra với khả năng thị giác trẻ đã khám phá thế giới một cách tự nhiên, sự khám phá của trẻ càng tăng cao hơn khi trẻ dần thành thục về khả năng vận đông, mỗi giai đoạn phát triển vận động khác nhau trẻ sẽ có những phương thức khám phá khác nhau: khám phá khi trẻ bắt đầu biết hua hua bàn tay, khám phá khi trẻ biết lẫy, khám phá khi trẻ biết ngồi, biết bò và khám phá khi trẻ biết đi, biết chạy. Trái lại, cũng phát triển vận động như trẻ bình thường, nhưng trẻ tự kỷ không có nhu cầu khám phá thế giới đồ vật như trẻ bình thường, nhu cầu khám phá thế giới bị bó hẹp trong sở thích máy móc của trẻ; sự kích thích, tác động của môi trường xung quanh sẽ không có ý nghĩa đối với trẻ, khi trẻ không thấy một sự vật hoặc hiện tượng cụ thể nào làm cho trẻ thích thú. Thứ hai: Về khả năng trí tuệ, qua kiểm tra trên cơ sở test Denver, cho thấy có tỉ lệ khá cao trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ, và đó cũng là khó khăn chính ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ. Thứ ba: Số lần tiếp cận đồ vật hay hiện tượng cũng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ, nhưng do trẻ tự kỷ chỉ lĩnh hội sự vật hay hiện tượng khi nó có ý nghĩa với mình, do đó mà số lần tiếp cận ít ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ tự kỷ hơn, cho dù số lần tiếp cận sự vật, hiện tượng của trẻ có nhiều bao nhiêu đi nữa, nếu trẻ không thích thì số lần tiếp cận đó cũng không làm tăng thêm khả năng nhận thức cho trẻ. Thứ tư: Người hướng dẫn có ý nghĩa và tầm quan trong to lớn đối với trẻ tự kỷ; Như chúng ta đã biết, sự lĩnh hội tri thức của trẻ em chủ yếu xảy ra theo ba con đường là tập nhiễm, bắt chước và giáo dục, trong đó kiến thức thông qua con đường tập nhiễm và bắt chước lớn gấp nhiều lần thông qua con đường giáo dục. Khac với trẻ bình thường, khả năng bắt chước và tập nhiễm của trẻ tự kỷ là rất hạn chế; do đó muốn nâng cao khả năng nhận thức cho trẻ tự kỷ sẽ chủ yếu thông qua con đường giáo dục. Do đặc điểm nhận thức của trẻ tự kỷ không giống như trẻ bình thường, nên hình thức giáo dục đối với trẻ tự kỷ sẽ là chương trình can thiệp đặc biệt, chương trình này khác xa so với giáo dục bình thường ở trẻ bình thường. Ngày nay trên thế giới xuất hiện nhiều chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ, như: phương pháp ABA, TEACCH, PECS, SMALL STEP, FLOOR TIME, … Kết quả nhận thức chung mà chúng tôi tổng kết được trên cơ sở đo trẻ bình thường và trẻ tự kỷ cho thấy: Mức độ nhận thức rất tốt, trẻ bình thường 76.5%, trẻ tự kỷ 1.9%; Mức độ tốt, trẻ bình thường 23.5%, trẻ tự kỷ 2.9%; Mức độ trung bình, không có trẻ bình thường, nhưng trẻ tự kỷ là 15.4%; Mức độ kém và rất kém không có trẻ bình thường, nhưng lại có tới 55.6% và 44.2% ở trẻ tự kỷ.
Từ kết quả nghiên cứu trên chúng ta thấy có một tỉ lệ nghịch tương đối trong nhận thức của trẻ tự kỷ và trẻ bình thường, trong khi hầu hết trẻ bình thường có khả năng nhận thức tốt và rất tốt, thì hầu như trẻ tự kỷ có mức độ nhận thức kém và rất kém. Điều này suy ra có tỉ lệ khá cao trẻ tự kỷ chậm phát triển nhận thức và trí tuệ.


6. Những kinh nghiệm lâm sàng qua chăm chữa cho trẻ tự kỷ.
Qua chăm chữa trẻ tự kỷ, chúng tôi thấy sự phát triển nhận thức của trẻ hết sức bất thường, so sánh nhận thức xét trên mặt bằng chung là thấp hơn nhiều so với trẻ bình thường cùng tuổi. Đồng thời sự tiến triển nhận thức cũng không phát triển theo logic thông thường, vì ngoài chậm phát triển, trẻ còn có biểu hiện rối loạn phát triển. Do đó việc chăm chữa và giáo dục cho trẻ tự kỷ là một điều hết sức khó khăn và phức tạp.
Cảm nhận giác quan: phần lớn trẻ tự kỷ có những khó khăn trong việc cảm nhận giác quan, trẻ có thể thiếu nhạy cảm hay quá nhạy cảm đối với một giác quan hay nhiều giác quan. So với trẻ bình thường, ngưỡng cảm giác của trẻ có thể là quá cao hay quá thấp khiến cho trẻ không thể tri giác chính xác sự vật, hiện tượng xung quanh hoặc tri giác quá khác thường so với người bình thường. Theo những mô tả của nhiều tác giả nghiên cứu trẻ tự kỷ thì sự rối loạn này xảy ra trên tất cả các cơ quan cảm nhận, nhưng đối với từng cá nhân trẻ tự kỷ có những bất thường ở cơ quan cảm nhận khác nhau hoặc tại một thời điểm khác nhau sẽ gặp bất thường ở một cơ quan cụ thể.
Nhận thức các tình huống xã hội: Hầu như trẻ tự kỷ không thích giao tiếp cũng như trải nghiệm các tình huống xã hội, trẻ thích chơi một mình hơn là phải chơi với các bạn khác. Chính vì lý do đó mà trẻ không bao giờ quan tâm đến việc học các chuẩn mực xã hội cũng như những kỹ năng ứng xử với con người. Động cơ thúc đẩy hành động của trẻ tuyệt đối xuất phát từ sở thích bản thân, không liên quan sở thích chung của mọi người, các giá trị cũng như chuẩn mực xã hội khiến người khác phải quan tâm học hỏi thì đối với trẻ tự kỷ không có ý nghĩa gì. Chính vì lý do đó mà người bị tự kỷ luôn được coi là kỳ cục và lạ lẫm so với xã hội nói chung, ngay cả khi trẻ tự kỷ có khả năng trí tuệ cao thì sự kỳ lạ trong tính cách cũng không thể che dấu.
Trí nhớ máy móc: Đây được xem là điểm mạnh của trẻ tự kỷ, vì khi trẻ đã thích sự vật hay sự kiện gì thì trẻ nhớ rất lâu và chi tiết. Nhiều phụ huynh kể lại, con họ có thể nhớ ngõ ngách đường đi một cách chính xác khi chỉ đi qua một lần, có những trẻ nhớ lời bài hát và âm nhạc khi trẻ mới nghe qua, những trẻ khác có thể đọc thuộc lòng một quyển truyện đến mức không thiếu cả dấu chấm, dấu phẩy , …Những trẻ tự kỷ có khả năng biết đọc khi chưa bao giờ đi học cũng nằm trong trí nhớ loại này.
Chơi tưởng tượng: Khả năng chơi tưởng tượng hay giả vờ là một vấn đề khó khăn đối với trẻ tự kỷ. Đối với trẻ bình thường, vào khoảng từ ba đến bốn tuổi bé rất thích nói chuyện một mình và tự nghĩ ra các tình huống giả tưởng và nhân vật giả tưởng, lớn hơn trẻ có thể biết chơi bán đồ hàng rồi đến chơi đóng vai cùng những trẻ khác, như trẻ giả vờ làm bác sỹ khám bệnh, cô giáo giảng bài, chú bộ đội bắn súng…Trong khi đó trẻ tự kỷ ở tuổi này hoàn toàn không biết chơi tưởng tượng cũng như trẻ không hứng thú đối với các hoạt động tưởng tượng.
Khả năng rút ra các kinh nghiệm: Do trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong nhận thức khái quát nên trẻ hầu như không để ý đến những liên hệ lẫn nhau của các đồ vật hay những điểm liên kết nhau trong cùng đồ vật. Nghĩa là khả năng của tư duy như phân tích tổng hợp, trừu tượng hóa và khái quát hóa nhận xét…ít được sử dụng trong khám phá và nhận biết thế giới.
Khả năng ý thức sự tự phục vụ: Do trẻ tự kỷ không quan tâm đến hướng dẫn của cha mẹ và cô giáo đồng thời trẻ thích làm theo ý của mình, vì điều này nên các nhà trị liệu và gia đình gặp khó khăn trong việc dạy trẻ biết sạch sẽ và tự phục vụ bản thân.
Ngoài những yếu tố trên, trẻ tự kỷ còn có một số đặc điểm nhận thức khác như: Khả năng nhận thức thông qua thị giác tốt hơn thính giác, nhận thức trực quan tốt hơn nhận thức trừu tượng, trẻ tốt trong tiếp nhận những kiến thức tự nhiên hơn các kiến thức xã hội, ngoài ra trẻ có khả năng tư duy ngôn ngữ bị tổn thương, khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ và hành vi phi ngôn ngữ, hạn chế trong việc hiểu và biểu hiện tình cảm. Trái lại có một số trẻ tự kỷ có khả năng trí tuệ bình thường rất giỏi trong nhận thức các môn khoa học tự nhiên và nghệ thuật: làm toán, hội họa, âm nhạc, điều khiển các thiết bị điện tử, …
Qua những nghiên cứu khả năng nhận thức và chăm chữa thực tế, chúng tôi thấy hầu hết trẻ tự kỷ đều ít nhiều gặp khó khăn trong học tập và tiếp thu kiến thức, trong khi đó khả năng nhận thức của trẻ tự kỷ là một trong những yếu tố quyết định đến sự cải thiện của chứng tự kỷ, đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến tiến trình trị liệu và chất lượng trị liệu mà những nhà chuyên môn và các bậc phụ huynh thực hiện.


TS. NGÔ XUÂN ĐIỆP



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét