Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Đặc điểm tâm lý của trẻ tự kỷ và Các xu hướng giáo dục cơ bản


Đặc điểm tâm lý của trẻ tự kỷ và
Các xu hướng giáo dục cơ bản

TS.Trương Thị Xuân Huệ
Khoa Giáo dục Đặc biệt,
Trường Cao đẳng Sự phạm TW. TP.Hồ Chí Minh

Để có thể giáo dục được trẻ tự kỷ nhất thiết chúng ta phải bàn đến đặc điểm tâm lý của những trẻ đó. Những dấu hiệu tâm lý đặc trưng, chứ không phải các dấu hiệu bệnh lý từ góc độ tâm lý học lâm sàng, mới có thể là căn cứ để xây dựng kế hoạch giáo dục cho trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ.
Nếu căn cứ vào các dấu hiệu: không chỉ tay, không giao tiếp mắt… thì không thể lập được kế hoạch giáo dục mang tính điều chỉnh các rối loạn tâm lý thực có ở trẻ tự kỷ. Vậy rối loạn tâm lý thực có ở trẻ tự kỷ là gì?
Các công trình nghiên cứu về tự kỷ đã thay đổi rất nhiều trong 20 năm gần đây. Lúc đầu (khi người ta coi tự kỷ là một dạng của tâm thần phân liệt) người ta mô tả người tự kỷ là người có hành vi bất thường và rối loạn. Họ là những người lo lắng khi cảm thấy mọi người không giống mình, không thể hiểu nổi. Nhưng dần dần các nhà tâm lý cho rằng người tự kỷ có một số rối loạn đặc trưng, nhưng phần lớn hành vi của họ vẫn nằm trong tuyến phát triển bình thường. Các nhà tâm lý xem tự kỷ là dạng tổn thương phát triển. Hơn nữa các nhà tâm lý đều khẳng định trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu ý nghĩa của bức tranh và các đối tượng khác nhau, nhưng chúng không được coi là tự kỷ. Sự khác biệt rõ nét là trẻ tự kỷ không hiểu ký hiệu ở mức độ tương ứng với tuổi trí tuệ của mình.
Người tự kỷ đặc trưng bởi sự phát triển phiến diện. Giao tiếp, tương tác xã hội, tưởng tượng là các bình diện tâm lý rối loạn nhiều nhất. Đây là nhận định của K.Gilbert và T. Piters (nhà tâm lý học Bỉ) và học đã đưa ra thuật ngữ “Hội chứng quá thực”.
TỰ KỶ LÀ HỘI CHỨNG QUÁ THỰC
Stephan 7 tuổi. Khi cha em mở cửa toalet, em gào lên “Thằng bé dơ bẩn”. Theo Stephan, đó chỉ là cách gây chú ý cho người khác. Khi em nhìn thấy cửa mở em cũng nói “Bây giờ chúng ta ăn mứt tướng quân”. Khi nghe thấy máy phát thanh, em nói “Yên nào, mày chỉ phá thôi”.
“Tôi nhìn mọi người, xem cách họ giao tiếp với nhau, phân loại dạng hành vi của họ, ghi chép lại và học thuộc lòng, sau đó cố gắng hiểu các hành vi đó. Cuối cùng, tôi rơi vào tình huống tương tự hành vi của tôi vẫn khác mọi người”- Stephan tâm sự khi em đã thành người lớn. “Tất cả tư duy của tôi đều là bằng mắt, tôi suy nghĩ chậm, dường như trong tôi quá trình hình thành hình ảnh thị giác về cái tôi nghe được, hình ảnh trong trí não (hình ảnh tưởng tượng) bị mất một vài khoảnh khắc. Tôi không thể nào hiểu được mọi người nói gì với tôi, trừ khi tôi có thể chuyển những lời mọi người nói với tôi về hình ảnh thị giác, … Phần lớn những người bình thường suy nghĩ bằng lời, nhưng quá trình tư duy ngôn ngữ thật sự xa lạ với tôi. Tôi luôn luôn suy nghĩ bằng hình ảnh. Tư duy bằng mắt đối với tôi là sự phân tích cuốn phim thành cuốn băng ghi âm trong trí nhớ, quá trình này chậm hơn tư duy ngôn ngữ rất nhiều. Việc phân tích cuốn phim trong tưởng tượng của tôi sẽ bị mất một vài khoảnh khắc ”- tâm sự của Templ Grendin.
Templ Grendin tâm sự rằng hiện nay, trong trí nhớ của cô ta có rất nhiều đoạn phim. Những đoạn phim đó giúp cô ta hiểu cuộc sống xung quanh (hiện thực khách quan). Nhưng đôi khi cô ấy thấy người ta làm những việc mà cô ấy cảm thấy không thể hiểu nổi vì không có cuốn phim nào trong đầu cô ta thích hợp với việc đó.
Những người kể trên được xem là hiện tượng tự kỷ. Stephan không phải là trẻ vô giáo dục với những lời lẽ bất nhã. Vấn đề là trước đó vài năm, bố Stephan tức giận vì em ị đùn, ông lôi em về phía toalet, mở cửa đẩy em vào và nói “Thằng bé dơ bẩn”. Những lời lẽ đó đã liên kết với hình ảnh cái toalet giống như mọi từ vựng đều liên kết với những đồ vật tương ứng.  Nhưng Stephan thật sự không hiểu ý nghĩa của cả lời nói. Em nhìn đồ vật (toalet) và nhại lại từ vựng đã bị liên kết với đồ vật đó. Em cố gắng hiểu nghĩa của những từ đó nhưng vẫn không hiểu. Lịch sử bệnh lý của em cho thấy tự kỷ không đồng nghĩa với ý thích từ chối giao tiếp xã hội. Stephan cho thấy tự kỷ là dạng mong muốn giao tiếp xã hội bất thường. Lịch sử bệnh lý của Stephan cho thấy em biết nhiều nhưng không có biểu tượng mang tính thực tiễn về cuộc sống hiện thực. Em mất mối liên hệ với thế giới con người.
Có nhiều ví dụ cho thấy sự khó khăn của trẻ tự kỷ trong việc hiểu hành vi của người bình thường. Người tự kỷ đối chiếu từng dạng hành vi của con người với từng tình huống, cố gắng hiểu các chi tiết trong tình huống đó và điều khiển hành vi của mình cho dễ hiểu đối với mọi người trong xã hội. Nhưng tính đa dạng và không thuần nhất trong hành vi con người trở nên quá khó hiểu đối với họ.
Templ Grendin cho chúng ta thấy sự phụ thuộc của người tự kỷ vào hình ảnh thị giác. Họ suy nghĩ bằng hình ảnh  và không bằng từ vựng, tức là không suy đoán.
Tri giác trực tiếp thông thường được duy trì bởi sự hoạt động không chỉ của một vùng trên vỏ não. Có thuyết cho rằng hoạt động của bán cầu não trái và não phải có sự phân hóa chức năng ngôn ngữ và các chức năng phân tích khác. Phần lớn chúng ta không cảm nhận thấy điều này vì hai bán cầu não hoạt động cân bằng nhau. Nhưng bệnh tật sẽ làm cho chúng ta để ý thấy sự phân hóa này. Người bị bệnh ở bán cầu não phải có thể không có khả năng định hướng trong không gian, nhưng anh ta vẫn duy trì được ngôn ngữ. Khi bị chấn thương não trái, chức năng ngôn ngữ bị tổn thương trầm trọng, nhưng sự định hướng trong không gian vẫn bảo toàn. Như vậy, bán cầu não trái và não phải phân hóa chức năng: bán cầu não phải giữ chức năng tổng hợp hình ảnh; bán cầu não trái có chức năng phân tích logic (ngôn ngữ). Ví dụ trái quýt và trái táo, chúng giống nhau, đều tròn. Ví dụ này liên quan trực tiếp đến sự tổng hợp hình ảnh. Bán cầu não phải ngay lập tức nhận ra hai loại trái cây đều tròn. Khái niệm “tròn” được lưu giữ trong trí nhớ ở bán cầu não phải một cách chi tiết. Đối với bán cầu não trái, táo và quýt giống nhau, đều là trái cây. Đây là một ví dụ về sự phân tích logic. Mệnh đề táo và quýt đều là trái cây không xuất hiện ngay lập tức. Bán cầu não trái cho phép chúng ta hiểu sâu hơn khái niệm chi tiết “tròn”, giúp chúng ta tổ chức quan sát theo các tiêu chí trừu tượng như khái niệm “trái cây”. Đây là ví dụ cho thấy bán cấu não trái phân hóa theo 2 chức năng cân đôi thông tin:
- phân loại tương ứng với sự trừu tượng hóa;
- phân loại tương ứng với việc thông tin được tri giác như thế nào.
Trẻ tự kỷ thiên về phân tích thông tin thu được từ bán cầu não phải và suy yếu chức năng hoạt động của não trái. Việc Stephan nhắc đi nhắc lại những câu nói được gọi là nói tiếng vọng. Stephan máy móc nhắc lại những câu nói nhiều hơn là chú ý đến ý nghĩa của câu nói. Không ai chấp nhân ngôn ngữ tiếng vọng, người ta xem đó là sự bất thường. Nhưng hiện tượng Ngôn ngữ tiếng vọng rất phổ biến trong tiến trình phát triển bình thường: bắt chước ngôn ngữ sảy ra trước việc hiểu ngôn ngữ việc sử dụng ngôn ngữ để biểu cảm.
Ngôn ngữ là một quá trình trừu tượng và phức tạp. Phân nửa trẻ tự kỷ có thể nói được nhưng chúng sử dụng chức năng của não phải trong việc thu thập thông tin thính giác. Ngôn ngữ tiếng vọng là ngôn ngữ được điều khiển bởi bán cầu não phải, nó thực sự không được phân tích từ góc độ ý nghĩa, nó được lưu giữa trong não và là kết quả của sự tái tạo. Hiện tượng ngôn ngữ tiếng vọng không có gì bất thường, trẻ bình thường khi học nói cũng làm như vậy. Trẻ nhắc lại nguyên câu hoặc một đoạn đàm thoại mà không có sự hiểu biết thực sự và không dùng vào việc tương tác xã hội với người khác. Đôi khi chúng ta học ngoại ngữ ở nước dùng phố biến thứ tiếng đó mà không có người dạy cho chúng ta, chúng ta có thể dùng phương pháp nhại âm như ngôn ngữ tiếng vọng. Chúng ta dùng ngôn ngữ tiếng vọng để duy trì một ý nghĩa đối với chúng ta, chúng ta không dùng nó theo đúng nghĩa mà những người khác dùng. Ngôn ngữ này được sử dụng như một đối sách nếu chúng ta muốn đàm thoại nhưng lại không biết làm như thế nào. Nếu hiểu về ngôn ngữ tiếng vọng như thế thì chúng ta sẽ thấy sự đánh giá về trẻ tự kỷ theo cách cũ là không chính xác.
Ngôn ngữ tiếng vọng là một trong những hình thức giao tiếp, là “lộ trình” hướng tới hình thức đúng của việc sử  dụng ngôn ngữ. Bằng lối tiếp cận vấn đề như thế, ngôn ngữ tiếng vọng không phải là thành phần ngôn ngữ cần loại bỏ như người ta vẫn nói, mà là một hình thức ngôn ngữ có chức năng kết nối. Ngôn ngữ tiếng vọng được xem như một hiện tượng đơn giản mặc dù nó rất đa dạng. Ngôn ngữ này bất chơt là sự tái tạo lại câu nói vừa được người khác nói ra, là sự nhắc lại câu nói, từ hoặc âm thanh sau những quãng thời gian nhất định. Ngôn ngữ tiếng vọng bất chợt phản ứng đáp lại ngôn ngữ của ai đó, khi phải trì hoãn việc trả lời, là sáng tạo của trẻ. Có những ngôn ngữ tiếng vọng là sự nhắc lại tỉ mỉ các âm thanh của từ hoặc câu, nhưng có loại là sự nhắc lại có biến đổi âm thanh của từ hoặc câu. Tồn tại rất nhiều dạng ngôn ngữ tiếng vọng gây cản trở cho sự phát triển giao tiếp.
Loại ngôn ngữ tiếng vọng đơn giản và thô sơ nhất là sự nhắc lại âm thanh tựa như tiếng hoảng sợ của súc vật. Cơ chế sinh lý của loại tiếng vọng này là sự kích hoạt của các cấu trúc dưới vỏ não. Trong các hình thức ngôn ngữ tiếng vọng trung gian (với ngôn ngữ bình thường) có những câu được liên kết với một người hoặc một tình huống cụ thể . VD: Tôm nói “Xin hãy dùng thử bánh rán” khi nhìn thấy ông nội. Loại ngôn ngữ tiếng vọng này chứa mầm mống của chức năng giao tiếp, nhưng người mà trẻ muốn giao tiếp không nắm được nội dung thông tin. Người ông không hiểu Tôm muốn chơi trò chơi tiếp, hoặc câu nói đó tựa như một lời chào thay thế cho tên của ông. Ngôn ngữ tiếng vọng như một nỗ lực giao tiếp là loại ngôn ngữ bắt đầu được điều khiển bởi bán cầu não trái.
Trẻ bình thường cũng máy móc nhắc lại từ hoặc câu nhằm gây cảm giác đang ở bên cạnh người thân (“bố mẹ và con”). Đôi khi sự nhắc lại một câu nói giúp trẻ điều khiển hành vi của mình. Từ giây phút trẻ bình thường hiểu được cách sử dụng ngôn ngữ thì trẻ sử dụng một cách sáng tạo theo cách riêng của trẻ. Ơ trẻ tự kỷ ngôn ngư riêng xuất hiện rất trễ so với trẻ bình thường. Trong thời gian đó những đặc điểm cấu âm trong ngôn ngữ của trẻ (ngôn ngữ tiếng vọng) và trí nhớ máy móc từng chi tiết của trẻ vẫn tiếp tục phát triển. Sau một thời gian dài trẻ tự kỷ có thể nói được câu dài và liên kết các câu hoàn chỉnh về mặt cấu âm (âm thanh) như trẻ bình thường.
Tóm lại, người tự kỷ phát âm máy móc các từ mà không chú ý đến nghĩa của từ. Việc sử dụng từ ngữ của người tự kỷ vẫn nằm trong quy luật phát triển ngôn ngữ bình thường, nhưng người tự kỷ không vượt xa hơn mức độ ngôn ngữ tiếng vọng.
Jon 24 tuổi cúi đầu trước tượng chúa. Anh ta không hề biết đây là hình ảnh không có thật, hình ảnh hư cấu từ hiện thực.
Trong hoạt động vui chơi, trẻ 18 tháng tuổi hiểu rất rõ ràng hành động tượng trưng. Trẻ tưởng tượng, hát, nói chuyện bằng điện thoại đồ chơi. Những cái trẻ tạo ra khi đó là một thế giới hoàn toàn khác, thế giới tưởng tượng, cái luôn tồn tại song song với thế giới thực. Trong thế giới tưởng tượng đó trẻ là diễn viên. Khi trẻ được 24 tháng tuổi, trò phát triển cao hơn và thoát ly thực tế hơn: con búp bê trở thành vật sống, trẻ tưởng tượng con búp bê biết hát. Jon băn khoăn về sự tồn tại của trò chơi siêu thực, nhưng anh ta không biết đó là hiện thực biểu trưng (tưởng tượng), không phải hiện thực khách quan.
Người tự kỷ không đạt được mức độ phát triển mà ở đó trò chơi tưởng tượng xuất hiện, nếu có thì cũng rất khó khăn. Họ luôn là người quá thực tế. Từ 18 -24 tháng, về mặt tư duy, trẻ tự kỷ khám phá hiện thực khách quan ở mức độ thấp. Chúng thường tìm cảm giác thị giác và thính giác bằng cách gõ liên tục vào trống hoặc mắt kính hoặc lăn bánh xe trên đồ chơi. Trẻ bình thường cũng làm như vậy nhưng ở độ tuổi nhỏ hơn nhiều.
Người lớn không bị đánh lừa bởi hình ảnh phi thực tế. Ví dụ: hình ảnh từ “quyển sách” không có gì giống với hình ảnh của quyển sách. Và hình ảnh quyển sách cũng không có gì giống với âm thanh khi phát âm từ “quyển sách”. Chúng ta hiểu xe đồ chơi là ký hiệu của xe thật, búp bê là vật tượng trưng của người thật, chúng ta luôn hiểu quan hệ giữa cái tượng trưng và cái thật. A.M. Leslie,1983; U.Frith, 1989 (nhà tâm lý học Anh) cho răng người tự kỷ có mức độ phát triển trí tuệ cao có thể hiểu: hiện thực khách quan được diễn tả bằng ngôn ngữ (ngôn ngữ là ký hiệu của hiện thực khách quan), nhưng họ rất khó khăn trong việc biết: ngôn ngữ không thể hiểu kiểu nhìn chi tiết đồ vật, ngôn ngữ là thế giới không thật, thế giới đó được giải mã bằng xảo thuật tìm “ý nghĩa từng chi tiết” trong hệ thống ký hiệu. Để lĩnh hội năng lực tưởng tượng nhất thiết phải vượt qua giới hạn tri giác chi tiết đồ vật. Dạng tư duy của người tự kỷ bị giới hạn bởi tri giác chi tiết từng đồ vật. Sự khiếm khuyết về tưởng tượng thật sự có ảnh hưởng lớn. Người tự kỷ là người quá thực trong thế giới những người siêu thực.
Từ những hiểu biết về tư duy, tưởng tượng và ngôn ngữ của trẻ tự kỷ chúng ta sẽ định hướng được nhiệm vụ giáo dục nhằm giúp trẻ thích nghi với thế giới con người siêu thực (con người luôn phân định hiện thực khách quan và hiện thực tưởng tượng).
Nhiệm vụ cơ bản của quá trình phát triển tư duy cho trẻ tự kỷ là phát triển tư duy logic trên nền tư duy trực quan hình ảnh, tức phối hợp hoạt động của não phải với não trái.
Nhiệm vụ cơ bản của quá trình phát triển tưởng tượng cho trẻ tự kỷ là giúp trẻ phân biệt hiện thực khách quan với bình diện ký hiệu của hiện thực khách quan đó.
Nhiệm vụ cơ bản của quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ là phát triển ngôn ngữ tiếng vọng thành ngôn ngữ bình thường, chứ không phải xóa bỏ ngôn ngữ đó.
Tóm lại, giáo dục trẻ tự kỷ là một quá trình rất đặc thù, không giống với việc giáo dục các dạng tật khác, đòi hỏi sự phối hợp của các chuyên gia tâm lý chuyên ngành sâu về trẻ tự kỷ với giáo viên giáo dục đặc biệt. Đó là quá trình tác động mang tính tâm lý – giáo dục học, được thiết kế phù hợp với các đặc điểm tâm lý thực có ở trẻ dạng tật này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      K.Gilbert vaø T. Piters (taâm lyù hoïc Bæ)  “Аутизм медицинскоe и пeдагагическоe ваздействие. – M. 2005.
2.      Формирование активных способов адаптации у аутичных детей с помощью игротерапии // Вестник Московского Университета 1993.- №1.-С.69.
3.      Использование поведенческой терапии аутичных детей для форми­рования навыков бытовой адаптации. Сообщение I // Дефектология. - 1997. -№2.-С.31-40.
4.      Использование поведенческой терапии аутичных детей для форми­рования навыков бытовой адаптации. Сообщение II // Дефектология. - 1997. - №3. - С. 15-20. (в соавторстве с О.Н. Окуневой).
5.      Общие трудности бытовой адаптации аутичных детей. // Аутичный ребенок: проблемы в быту. Методические рекомендации по обучению социально-бытовым навыкам аутичных детей и подростков. - М., 1998. - С.9-50.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét